Con Người không có Nước-Như không thấy Mặt Trời


Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

THƠ NÔM CỦA LÊ THÁNH TÔNG * HỘI TAO ĐÀN



Chắc chắn thơ ca bằng tiếng Việt (bất thành văn) đã xuất hiện trên đất nước ta từ rất sớm, có thể trước thời đại Hùng Vương cả một vài nghìn năm. Kết quả khảo cổ cho biết chữ Việt cổ (có hình tựa như con nòng nọc) ghi cách đọc tiếng Việt đã xuất hiện từ trước thời Bắc thuộc rồi sau đó bị chữ Hán lấn át và tiêu diệt. Người Việt chỉ còn một cách duy nhất là dùng hình thức truyền miệngđể lưu giữ nền thơ ca dân tộc (ca dao, tục ngữ, dân ca…) cũng như các tri thức khác.

Sau khi thoát khỏi ách Bắc thuộc (từ năm 938), do yêu cầu bức xúc của lịch sử dân tộc thời đại tự chủ, trong khoảng một vài trăm năm, bên cạnh việc tiếp tục sử dụng chữ Hán, các trí thức An Nam đã cố công tìm cách sáng chế ra chữ Nôm (dựa vào chữ Hán và cải biến thêm để đọc âm Việt). Tương truyền Hàn Thuyên (thế kỉ XIII, đời Trần) là người đầu tiên chế định luật thơ nôm, đồng thời làm bài Văn tế cá sấu bằng chữ nôm. Tiếp sau đó, những người khác như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Trần Quí Khoáng, Nguyễn Biểu … đều có những sáng tác thơ nôm. Sự xuất hiện chữ nôm và thơ nôm là một hiện tượng mang tính cách mạng của nền văn hoá dân tộc.
Đến thế kỉ XV, chữ nôm đã tương đối hoàn thiện và thơ nôm đạt tới đỉnh cao mới với sự xuất hiện của thiên tài thơ nôm Nguyễn Trãi. Sự kì diệu của thơ nôm đã gây hứng thú lớn lao cho tất cả các thi nhân sau Nguyễn Trãi. Ở nửa sau thế kỉ XV, trong bối cảnh cực kì thuận lợi của một thời kì thực sự thái bình thịnh trị, thơ nôm được cả triều đình nhà Hậu Lê, đứng đầu là vị minh quân Lê Thánh Tông, đặc biệt chú trọng. Thơ nôm lần đầu tiên được nâng lên tầm vóc, địa vị quốc thi. Năm 1495 Hội Tao Đàn ra đời do đích thân Lê Thánh Tông làm nguyên súy, gồm 28 “ngôi sao thơ” (nhị thập bát tú) như: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán, Nguyễn Xung Xác…
Tác phẩm trứ danh của Hội Tao Đàn là tuyển tập thơ khá qui mô và đồ sộ Hồng Đức quốc âm thi tập.
Lê Thánh Tông là mẫu ông vua hoàn thiện nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông và triều đại của ông đã thoả mãn được điều mà Nguyễn Trãi khao khát một đời nhưng không có diễm phúc được chứng kiến: “Ước một tôi hiền, chúa thánh minh”. Ông là linh hồn của triều đại phong kiến Việt Nam cực thịnh. Triều đại Lê Thánh Tông gợi lại thời Nghiêu – Thuấn của Trung Hoa thời cổ, từng được giới nho sĩ thời phong kiến coi là điển phạm của tất cả các thời đại.
Là vị vua sáng và vô cùng hiển hách, Lê Thánh Tông đồng thời là nhà thơ nhà văn Hán – Nôm đích thực. Thơ nôm của ông cho thấy hình ảnh của một ông vua hiền minh hoà quyện tuyệt diệu với hình ảnh một nhà thơ. Xưa nay rất hiếm có ông vua nào viết được những câu thơ đằm thắm lạ thường như thế này:
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường.
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
Gót vàng dận dạn máy âm dương.
                       (Dệt cửi) 
Thơ Lê Thánh Tông là thơ “tái đạo” (chở đạo). Đạo là quy luật tự nhiên của càn khôn và xã hội. Ở loài người, đạo hàm nghĩa đạo đức mà gốc của đức là chữ nhân. Thơ ông tràn ngập nhân đức và do đó tràn ngập vẻ đẹp. Chính lòng nhân đức đã cho ông con mắt nhìn thế gian khác nhiều so với những nhà thơ khác trong Hội Tao Đàn. Vận dụng triết lí vạn vật nhất thể và nghệ thuật khẩu khí, ông cố tình xóa nhoà ranh giới giữa cao và thấp, giữa sang và hèn nhằm mục đích nâng đỡ, an ủi, khích lệ, làm nở nụ cười trên môi những người mang số phận hẩm hiu:
Góp giang sơn xách một quai,
Lượng bằng sông bể chẳng từ ai!
Vườn đào ngõ mận từng len lỏi
Gác tía lầu son mặc nghỉ ngơi…
              (vịnh người ăn mày)
Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng nuốt ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.
                     (Vịnh con cóc)
Những bài thơ viết về những số phận đáng thương trong đời đủ cho thấy ông là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa đích thực không khác gì Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du sau này:
Thờ chúa thờ chồng hết tấc thương,
Một mình lọn đạo việc cương thuờng.
Non thiêng dễ hoá hồn Tinh Vệ,
Nước biếc khôn nhìn mặt Phạm vương.
                   (Vịnh Mị Ê)
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương?
Bóng đèn dầu nhẫn, đừng nghe trẻ,
Cung nước chi cho lụy tới nàng?…
....Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng!
                     (Miếu bà Trương)
Ở Lê Thánh Tông, chữ nhân gắn liền với chữ trí. Là vị vua sáng, ông hiểu hơn ai hết cái nguyên lí đã được xướng ra ở triều đại nhà Lê: Hiền tài – quốc gia chi nguyên khí (bậc hiền tài là tố chất căn bản của quốc gia). Chính vì thế, ít có ông vua nào sánh nổi với ông về tinh thần chiêu hiền đãi sĩ. Sự trọng thị, yêu quí của ông với những hiền tài quốc gia được thể hiện sâu nặng trong những bài thơ khóc điếu các đại thần khi họ qua đời:
Dẹp yên bốn cõi mới buông tay,
Lồ lộ Thai tinh (sao lớn) một đoá mây.
… Thương ít tiếc nhiều khôn xiết chế,
Miếu đường hầu lấy cột nào thay?
               (Điếu Lê Khôi)
Khí thiêng đã lại thu sơn nhạc (cõi trời),
Danh lạ còn truyền để quốc gia.
Khoát ngón tay than tài cái thế,
Lấy ai làm trạng nước Nam ta?
(Điếu trạng nguyên Lương Thế vinh)
Với khối óc vô cùng mẫn tuệ (tương truyền ông là một vị tiên đồng giáng xuống làm vua nước Nam), Lê Thánh Tông đã nhận định, bình phẩm một cách xác đáng theo quan điểm độc lập của ông về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa như Hán Cao Tổ, Hạng Vũ, Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín, Tô Vũ… Ví dụ ông thừa biết Hán Cao Tổ chỉ là một kẻ vô học, cho nên với hành động qua nước Lỗ viếng Khổng Tử của ông ta, Lê Thánh Tông đã hạ một câu:
Qua Lỗ vì chưng chút đãi buôi!
Cũng nhờ khối óc sáng suốt phi thường mà Lê Thánh Tông đã nhận ra tất cả những sai quấy, vô lí, bất cập của các triều vua Lê trước ông. Một hành động nổi bật là ông đã xuống chiếu minh oan cho bậc vĩ nhân Nguyễn Trãi vào năm 1464, ra lệnh và cắt cử người sưu tầm di cảo của Nguyễn Trãi để làm quốc bảo. Nhờ thế mà di sản văn hoá vĩ đại của Nguyễn Trãi mới còn đến ngày nay.
Trong thời đại phong kiến, không một triều đại nào phát triển rực rỡ như triều đại Lê Thánh Tông. Tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, luật pháp, văn hoá, xã hội… đều trở nên hoàn thiện chưa từng thấy. Điều đặc sắc nhất là triều đình đồng thời là một “hội văn chương”, để lại cho đời những tác phẩm lớn như Quỳnh uyển cửu ca (bằng chữ Hán) và Hồng Đức quốc âm thi tập (thơ nôm).

Lê Thánh Tông có ý thức sâu sắc xây dựng một nền văn hoá độc lập của dân tộc. Kế thừa di sản thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, ông đặc biệt chú trọng xây dựng nền thơ nôm để một mặt thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngôn ngữ của Trung Hoa, mặt khác mang ý đồ đối thoại, sánh vai với nền văn chương Bắc quốc! Đó chính là tư tưởng có tầm chiến lược của một bậc minh quân vĩ đại trong thế kỉ XV. Chúng ta sẽ thấy rõ điều đó khi đi sâu nghiên cứu thơ nôm thời Hồng Đức.
Trong thơ cũng như trong đời, Lê Thánh Tông tuy cao đạo mà chân thành, tuy kì vĩ mà bình dân. Ông luôn gần gũi mọi người và tỏ ra là một con người vô cùng hữu tình, tế nhị, dễ mến:
Vạc thẩn thơ tìm nội quạnh,
Trời lác đác vẻ sao thưa.
Một bầu thế giới hây hây lạ,
Mấy kẻ chung tình đã thức chưa?
                    (Vịnh canh bốn)
GIÁ TRỊ CỦA TẬP THƠ HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP
Mặc dù thời Hồng Đức (1470 – 1497, triều Lê Thánh Tông) không sản sinh ra một thiên tài thơ nôm tầm cỡ Nguyễn Trãi, nhưng thơ nôm thời kì này lại nở rộ trên diện rộng hơn, số người tham gia sáng tác thơ nôm cũng đông đảo hơn. Mặt khác, chất lượng thơ cũng có những ưu điểm lớn: nội dung và đề tài phong phú hơn, nhiều bài thơ rõ ràng đã tiếp thụ được tinh hoa nghệ thuật trác tuyệt của thơ Nguyễn Trãi. Và một điều hết sức đặc sắc mà thơ nôm Nguyễn Trãi không có, đó là sự hiện diện của loại thơ nôm tiếu lâm, phản ánh bản tính thích cười của người Việt.
Toàn bộ nội dung thơ nôm thời Hồng Đức toát lên tinh thần độc lập và tự cường dân tộc, đặc biệt chú trọng biểu dương, ca ngợi đất nước An Nam vừa oai hùng hiển hách vừa vô cùng tươi đẹp như một xứ sở kì diệu bậc nhất trên thế gian.
Sau đây là những những nội dung cụ thể:
* Phản ánh khí phách hào hùng của dân tộc thông qua những trang sử oanh liệt và các nhân vật anh hùng hiển hách như Thánh Gióng, Trưng Vương, Triệu Ẩu, chiến thắng Bạch Đằng Giang … 
Trợ dân dẹp loạn trả thù mình,
Chị nhủ cùng em cất nghĩa binh.
Tô Định bay hồn vang một trận,
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành…
Còn nước còn non còn miếu mạo,
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.
              (Trưng Vương)
Leo lẻo doành xanh nước tựa dầu,
Trăm ngòi ngàn lạch chảy về chầu.
Rửa không thay thảy thằng Ngô dại,
Gịa (giũ) mọi lâng lâng khách việt hầu.
                 (Bạch Đằng Giang)
* Ca ngợi đất nước An Nam gấm vóc, hoàn toàn không thua kém gì những danh thắng như Tiêu Tương bát cảnh của Trung Hoa: núi Thần Phù, động Bạch Nha, chùa Phật Tích, chùa Non Nước, chùa Trấn Võ…
Muối pha bãi bạc sông sâu hoáy,
Chàm nhuộm cây xanh núi tuyệt mù.
Khói quán mây ngàn tuôn ngùn ngụt,
Chợ quê sóng bể dức (réo) ù ù…
                  (Núi Thần Phù)
Hòn đá ai đem đặt giữa đồng,
Mĩ miều thiếu nữ lựa (khiến) người trông.
Da dồi phấn tuyết nhuần nhan sắc,
Đầu gội mưa xuân sạch bụi hồng...
.....Tới nay tuổi đã bao nhiêu tá?
Chành chạnh (khư khư) bền gan chửa lấy chồng?
                 (Núi goá) 
Những vẻ tuyệt mĩ của thiên nhiên như trăng, hoa, thảo mộc, thời tiết bốn mùa, cảnh đẹp năm canh, lễ hội… đều được miêu tả một cách tỉ mỉ và đầy chất thơ:
Nước cạn đồng hồ canh chuyển hai,
Đêm dài đằng đẵng tựa năm dài.
Vang ngõ nọ chày cao thấp,
Nhộn đầu kia địch (sáo) bẻ bai.
Trăng sáng ba ngàn thế giới,
Gió đưa mấy xóm lâu đài…
       (Canh hai)
Mai gầy liễu guộc cỏ le te,
Biết chạy làm sao khỏi nắng hè?
Đậu lá, võ vàng con bươm bướm,
Ấp cây, gầy guộc cái ve ve…
      (Vịnh nắng hè)
* Phản ánh bản sắc tâm hồn giàu tình cảm và chất thơ của người Việt qua những bài thơ trữ tình như: Miếu bà Trương, Vịnh Mị Ê, chùm thơ Lưu Nguyễn nhập đào nguyên, Ngưu Lang – Chức Nữ, Vương Tường…
Đây là lời một người vợ trẻ nói với người chồng phụ bạc:
Chàng hỡi hai ta nghĩa đã cân,
Thốt thề chẳng hổ với linh thần?
… Mây nước dạ chàng dầu bạc nghĩa,
Cỏ hoa lòng thiếp hãy còn xuân…
Cách đây nửa thiên niên kỉ mà thi nhân thuở ấy đã phát hiện và miêu tả những cảm xúc tinh tế như vậy nơi tâm hồn một người đàn bà trẻ, điều ấy không đủ khiến chúng ta ngạc nhiên và khâm phục hay sao?
* Thơ nôm thời Hồng Đức dành một mảng đáng kể chuyên miêu tả sinh hoạt dân dã với những vật hết sức thông thường, nhỏ mọn nhưng rất đỗi thân thương, gắn bó mật thiết với người Việt như hình với bóng: khoai lang, quả dưa, cây chuối, cây cau, cái nón, cái đó, cái quạt, ông đầu rau, cối xay, thằng bù nhìn, nhà dột, con chó đá, con gà, con muỗi, con cóc, trứng vịt…
Ngọt bằng mít, mát bằng dừa,
Trợ khát nào qua một quả dưa?
Mùi mẽ ngon, người dễ trọng,
Tinh thần lạ thế (đời) đều ưa.
          (Qủa dưa)
Muỗi hỡi, mi sinh giáp tí (ngày tháng) nào,
Đêm đêm lẻn đến cửa buồng tao…
Canh khuya lẩn quất làm cho nhọc,
Châm đốt ngoài da có xuể nào?
          (Con muỗi)
Những đề tài, đối tượng “rất tầm thường” mà văn chương chữ Hán thường coi khinh và chối bỏ thì thơ nôm Hồng Đức lại tiếp nhận và miêu tả một cách say sưa khác thường! Rõ ràng người Việt thế kỉ XV có khát vọng làm một cuốn từ điển bách khoa bằng thơ về cuộc sống hiện thực vô cùng sinh động, đáng yêu đáng quý của dân tộc mình! Họ đã phát hiện được một chân lí tuyệt vời: chính từ đất mẹ thân yêu đã sản sinh ra vô vàn cái đẹp cho đời, không cần phải cầu cạnh, vay mượn ở đâu khác!
Nhiều bài thơ khác chuyên miêu tả những người bình dân như: người hái củi, người cày ruộng, người kiếm cá, trẻ chăn trâu, thằng mõ, người ăn mày… Mặc dù các thi nhân còn chịu ảnh hưởng loại thơ vịnhtứ thú (ngư tiều canh mục) của văn học Trung Hoa nhưng về thực chất, họ muốn nhấn mạnh ý tưởng thâm thúy quốc dĩ dân vi bản, muốn miêu tả con người, cư dân trên giang sơn gấm vóc của xứ sở An Nam:
Năm canh bố cốc (tu hú) tiếng kêu om,
Leo lẻo canh phu (thợ cày) sớm đã nom.
Gió ngàn xanh xoay nón lệch,
Mưa núi lục cúi lưng khom…
Tấc đất tấc vàng yêu bấy tá,
Mồ hôi dồn dọi thuở đầu mom.
          (Vịnh người đi cày)
Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi…
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,
Làng nước ai ai cũng cứ lời…
Thứ bậc dưới trên quyền cắt đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.
          (Vịnh thằng mõ)
* Như chúng tôi đã nói trên đây, triều đại Lê Thánh Tông trị vì là thời kì cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong triều ngoài nội đều vang lên những khúc “âu ca thái bình”. Là ông vua hiền minh và nhân đức, Lê thánh Tông cư xử với các bề tôi của mình như tình huynh đệ. Bản tính ông rất hồn nhiên, vui tính, thích đùa, chứng tỏ ông mang cái gen trào lộng, khôi hài độc đáo của người Việt. Chắc chắn chính ông đã “bật đèn xanh” cho chủng loại thơ nôm tiếu lâm đặc thù của dân tộc ta được nghiễm nhiên lọt vào Hồng Đức quốc âm thi tập – một tuyển tập thơ “chính quy”của triều đình. Đó là thứ thơ mang biểu tượng hai mặt: một mặt miêu tả phong cảnh hay một sự vật nào đó, còn mặt kia cố ý miêu tả những động tác phối ngẫu âm dương của nam và nữ. Trong thế giới tinh thần hết sức lành mạnh, gần gũi thiên nhiên của người Việt cổ (cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới), hiện tượng phối ngẫu âm dương đó là hoàn toàn tốt đẹp, đáng ngợi ca, là một niềm say sưa, hứng thú thực sự, và hoàn toàn có thể là một đề tài đặc sắc của văn chương. (Chỉ có một vài tôn giáo như Phật Giáo, Nho Giáo… kì thị với hiện tượng tự nhiên đó). Trong văn học dân gian, nhất là trong truyện tiếu lâm, môtíp “phối ngẫu âm dương” này thường xuyên xuất hiện và có sức hấp dẫn đặc biệt làm cho người Việt bật lên tiếng cười vô cùng thích thú và sảng khoái. Hồng Đức quốc âm thi tập có ít nhất ba bài thơ thuộc môtíp ấy: Kênh Trầm, Vụng Bàn Than, Cây đánh đu. 
Đồn rằng huyện Ngọc có kênh Trầm,
Tuy hẹp le (nhưng) vui hết mấy rằm (tháng).
Gò nổi xương trâu rêu lún phún,
Bãi lè lưỡi bạng (trai) bọt lăm tăm.
Chan chan thuyền khách sào chưa nhổ,
Sịch sịch chài ai cọc hãy cằm (cắm).
Có kẻ kéo khan năm bảy lúc,
Chờ cho thấy nước bõ đêm nằm.
               (Kênh Trầm)
Một vụng Bàn Than vành vạnh tròn,
Tư mùa nước chảy chẳng hay mòn.
Lòng bòng vó cất bên kia bãi,
Đủng đỉnh chày đâm mái nọ non.
Cắm nhổ đầu ghềnh sào mấy cỗi,
Nhấp nhô mặt nước đá hai hòn.
Ngư ông đưa đẩy khoan thì nhặt,
Nhân nhẩn (nhởn nhơ) triều lên nước dẫy (đầy) con.
          (Vụng Bàn Than)
Bốn cột lang nha cắm để trồng,
Ả thì đánh cái, ả còn ngong.
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không.
         (Cây đánh đu)
Không nghi ngờ gì nữa, chủng loại thơ nôm tiếu lâm này là tiền thân của thơ nôm Hồ Xuân Hương sẽ nở rộ và đạt tới đỉnh cao vào 300 năm sau. Chúng tôi tin chắc rằng sau thời Hồng Đức, chủng loại thơ này vẫn luôn được tiếp tục trong nền thơ dân tộc nhưng vì lí do nào đó đã bị thất truyền. Thơ nôm Hồ Xuân Hương ở thế kỉ XVIII –XIX cũng chỉ là một sự kế tục và là trường hợp nổi bật.


                                             *
                                            * *
Tóm lại, thơ nôm của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn trong nửa cuối thế kỉ XV là một thành tựu lớn đóng góp vào nền văn hiến Đại Việt, thực sự làm khởi sắc nền văn học dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của một ông vua – hiền triết có tư tuởng và hoài bão chấn hưng đất nước, tất cả các thi nhân đương thời đều thấm nhuần tinh thần tự cường tự tôn dân tộc, ra sức biểu dương sự vinh quang, cái đẹp và sức mạnh của tổ quốc, của truyền thống văn hoá ưu tú xứ sở mình. Vua tôi triều Hồng Đức muốn tuyên bố trước thế giới rằng: trên đất nước Đại Việt ngàn năm này đã và sẽ tồn tại vĩnh viễn một cuộc sống đích thực, diễn ra thiên hình vạn trạng và bất tuyệt, gắn chặt với thiên nhiên tuyệt diệu phương Nam, với truyền thống lịch sử oai hùng và những phong tục cổ truyền tốt đẹp. Đất nước ấy tuyệt nhiên không hề kém cạnh gì so với “Bắc quốc” mà sách vở và thi ca Trung Hoa đã mô tả, ngợi ca suốt bao nhiêu thời đại!
Lần đầu tiên ở nước ta, thơ nôm được nâng lên địa vị thơ cung đình, mang tầm vóc quốc gia, sánh ngang với thơ chữ Hán. Thơ nôm ấy không còn bị coi là “nôm na”, vì chúng được sáng tác bởi những thi nhân kiệt xuất của thời đại: nhị thập bát tú (28 ngôi sao thơ) trong Hội Tao Đàn do đích thân nhà vua sáng lập và đứng làm chủ súy!
Thơ nôm thời Hồng Đức là biểu trưng rực rỡ của một thời đại tự chủ huy hoàng, kế tục thời đại oanh liệt do Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn tạo dựng nên và Nguyễn Trãi là người cầm ngọn cờ văn hoá.
Dòng thơ nôm ấy sẽ được thừa kế và phát triển liên tục trong những thời đại sau ở các thế kỉ XVI, XVII, XVIII, XIX, XX… đưa nền thi ca Việt Nam – sau khi đã thoát khỏi tình trạng phải đi mượn một thứ tiếng nước ngoài là tiếng Hán – vươn lên tầm vóc chung của nền thơ nhân loại.
** Viết trên cơ sở bài Tựa tuyển tập Thơ nôm Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn (NXB Đồng nai – 2000, Kiều Văn tuyển chọn, giới thiệu)
                        sưu tầm & giơi thiệu

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013


CHINH PHỤ NGÂM – 
KIỆT TÁC THƠ NÔM MANG TÍNH NHÂN BẢN ĐẶC SẮC*
Kiều Văn Biên Soạn

Ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVIII, tác phẩm thơ nôm trường thiên Chinh Phụ Ngâm (được diễn nôm từ nguyên tác Hán văn của Đặng Trần Côn) là kiệt tác hàng đầu của văn học cổ điển Việt Nam, bên cạnh Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thơ nôm của Hồ Xuân Hương.
Trải qua hơn hai thế kỉ rưỡi đến nay, Chinh Phụ ngâm luôn giữ nguyên giá trị của một viên ngọc thi ca sáng ngời, một thi phẩm làm vẻ vang cho xứ sở vốn “nổi tiếng thi thư” (lời của Nguyễn Trãi).
Từ trước đến nay, nhiều bậc thức giả đã bình phẩm, đánh giá Chinh phụ ngâm , nhưng đến nay vẫn có những khám phá mới về nội dung vô cùng sâu sắc cũng như về nghệ thuật của kiệt tác này. Trong luận văn này, chúng tôi đặc biệt đi sâu phân tích, tìm hiểu tính nhân bản hết sức đậm đặc của tác phẩm.
Cũng như hầu hết các kiệt tác văn chương khác, Chinh phụ ngâm là sản phẩm tinh thần của một thời đại nhất định. Đó là thời đại nội chiến tàn khốc giữa các tập đoàn phong kiến cát cứ Lê – Trịnh – Mạc – Nguyễn, và giữa các triều đình này với các phong trào khởi nghĩa của giai cấp nông dân đã bị dồn tới bước đường cùng.
___________________________________
* Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn (công bố năm 1953 tại Paris) thì bản dịch nôm hiện hành là của Phan Huy Ích. Chúng tôi đã được xem toàn văn bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm và nhận thấy: bà là người đầu tiên dịch nôm tác phẩm này với thể thơ song thất lục bát, văn chương rất điêu luyện. Bản dịch của Phan Huy Ích ra đời muộn hơn đến 45 năm, cũng dùng chính thể thơ đó và chịu ảnh hưởng rất nhiều ở bản dịch trước. Có thể nói Phan Huy Ích đã nhuận sắc lại bản dịch trước kia của Đoàn Thị Điểm, vì vậy mà bản dịch của ông hoàn hảo hơn. 
___________________________________
Cuộc chiến tranh giữa tập đoàn Lê – Trịnh với nhà Mạc kéo dài cả nửa thế kỉ. Cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh cũng diễn ra liên miên suốt 45 năm với 7 lần đụng độ, gây nên cảnh “thành xương sông máu” làm kiệt quệ nhân tài vật lực của đất nước và khiến trăm họ phải lầm than điêu đứng. Đất nước ta đã phải chịu một thảm hoạ lớn: Bắc – Nam bị chia cắt suốt 160 năm trời.
Trong thế kỉ XVIII xảy ra rất nhiều cuộc xung đột giữa quan quân triều đình (tiêu biểu là nhà Trịnh) với các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Họ Trịnh phải dốc toàn lực để “dẹp loạn”. Trai tráng bị bắt sung vào lính nhiều vô kể. Hàng ngàn vạn gia đình phải tan tác chia li, gây nên những số phận bi thảm của biết bao chinh phu và chinh phụ.
Cả một dân tộc bị chấn thương do nội chiến kéo dài hằng thế kỉ, từ đó kết nên một mối oán hận thấu trời, như lời thơ của Chinh phụ ngâm :
Xanh kia thăm thẳm từng trên, 
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Theo lẽ tự nhiên, mọi nỗi oán hận đều đòi hỏi phải được giải toả. Đặng Trần Côn, một thi nhân lỗi lạc, đã cảm nhận sâu sắc nỗi oán hận ấy của dân tộc ông. Với thiên chức của nhà thơ, ông đã mang hết tâm huyết mô tả và vạch ra thực chất của tấn bi kịch lịch sử thời đại ông bằng một áng văn chương bác học (Hán văn) rất mực điêu luyện, tài hoa. Nhiều nho sĩ Trung Hoa đương thời đã thán phục tác phẩm này của ông. Sau đó tác phẩm được một bậc danh sĩ dịch thành một áng văn chương nôm tuyệt tác. Ngay lập tức, Chinh phụ ngâm bằng thơ nôm đã đi vào lòng quần chúng nhân dân đương thời. Ngoài giá trị thẩm mĩ, Chinh phụ ngâm còn mang ý nghĩa như là sự cứu rỗi cho một thời đại đầy đau thương, tang tóc, chia li.
Vì sao Chinh phụ ngâm có thể đảm được một vai trò trọng đại như thế trước lịch sử? Vì các tác giả của nó đã nắm bắt được chân tướng của thời đại, và vì họ đã vượt qua được rào cản của những giáo điều chính thống đương thời để tìm được đến chân lí tối cao về nhân bản .
Cả tác giả và dịch giả của Chinh phụ ngâm đều là những trí thức phong kiến, đầu óc vốn được trang bị bằng những “chuẩn mực đạo đức” phong kiến như tam cương (vua – tôi, cha – con, vợ – chồng) hoặc lòng trung quân tuyệt đối… Nhưng may thay, dân tộc của họ, một dân tộc đã sáng tạo nên nền văn minh lúa nước, thuộc nằm lòng những qui luật của tự nhiên (như luật âm dương , luật hài hoà của thời tiết bốn mùa, qui trình sinh trưởng của cây lúa…), có bản tính thuần phác, có nếp nghĩ nếp sống hồn nhiên, đầy nhân bản. Dân tộc ấy không dễ gì bị lừa bịp bởi những tư tưởng trái tự nhiên, “thậm vô lí” của bọn người chuyên đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Họ tuyên bố “phép vua thua lệ làng”, “quan có cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang!”. Đó chính là thái độ của quần chúng nhân dân chống lại sự chuyên chế và bảo vệ nhân quyền của mình.
Hãy xem thái độ và tâm trạng thật của một người lính thú thời xưa khi “tuân phép nước lên đường làm nhiệm vụ” được mô tả trong một bài ca dao:
… Một tay thì cắp hoả mai, 
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền. 
Thùng thùng trống đánh ngũ liên, 
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa… 
Ba năm trấn thủ lưu đồn, 
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan. 
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn, 
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai? 
Miệng ăn măng trúc măng mai, 
Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng?…
Thân phận một người lính của nhà vua được cử đi trấn giữ biên cương trong bài ca dao này thật có khác gì thân phận của một tên tù khổ sai? Sao cái bi kịch của người lính này lại giống với bi kịch của chinh phu, lại đồng điệu với những suy tư, dằn vặt và phản ứng của chinh phụ trong Chinh phụ ngâm đến thế? Phải chăng những trí thức phong kiến, tác giả của Chinh phụ ngâm , đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi chính những tình cảm nhân bản và tri thức nhân dân (folklore) rất mực hồn nhiên, rất gần chân lí đó, để cuối cùng họ đã rời bỏ lập trường chính thống, đứng hẳn về phía nhân dân mà trước tác nên một tác phẩm làm rung động tâm hồn toàn thể dân tộc họ? Chinh phụ ngâm thành công rực rỡ trước hết là do các tác giả của nó đã sáng suốt và dũng cảm bứt phá để thoát ra khỏi ngục tù của chủ nghĩa giáo điều phong kiến. Hành động ấy của họ có gì rất giống với hành động của các nhà văn thời Phục Hưng thế kỉ XV – XVI như Rabelais, Shakespeare, Cervantes…, các nhà văn thời đại Khai sáng thế kỉ XVIII như Diderot, Voltaire, Rousseau…, những nhà văn đã dũng cảm đứng về phía con người, chống lại những giáo điều và thể chế vô nhân đạo của Nhà Thờ thời Trung cổ.
Vấn đề trung tâm mà Chinh phụ ngâm đề cập là vấn đề chiến tranh và hoà bình, thể hiện ngay ở câu thơ đầu tiên:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.
Giáo điều phong kiến dạy rằng: vua chúa là “thiên tử” (con trời), mọi hành động của thiên tử như dẹp loạn để bảo vệ ngai vàng, chinh phạt các nước khác để mở mang bờ cõi… đều là những hành động “thế thiên hành đạo” cả. Tất cả thần dân trong nước phải nhất nhất vâng lệnh và xả thân phụng sự thiên tử. Ai làm được như thế sẽ được coi là một kẻ “trung quân”, là một con người có phẩm hạnh cao, nhược bằng chống lại lệnh vua thì đó là kẻ “bất trung”, “khi quân”, sẽ bị trị tội.
Người chinh phu trong tác phẩm chính là một kẻ “trung quân” tiêu biểu. Chàng hoàn toàn tự giác chấp hành mệnh lệnh của nhà vua:
Áo nhung trao quan vũ từ đây… 
Phép công là trọng, niềm tây sá nào!
Chàng mang đủ “khí phách” của một anh hùng phong kiến:
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, 
Xếp bút nghiên theo việc đao cung. 
Thành liền mong tiến bệ rồng, 
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời. 
Chí làm trai dặm ngàn da ngựa, 
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao…
Trong lòng chàng đau đáu món nợ công danh:
Áng công danh trăm đường rộn rã…
Chàng mơ ước:
Non Yên tạc đá đề danh, 
Triều thiên vào trước cung đình dâng công… 
Tài so Tần, Hoắc vẹn tuyền, 
Tên ghi gác khói, tượng truyền đài Lân. 
Nền huân tướng đai cân rạng vẻ, 
Chữ đồng hưu bia để ngàn đông…
Nhưng than ôi: tất cả ước mơ đó chỉ là thứ bả vinh hoa mê hoặc chàng! Trên thực tế chàng đang phải dấn thân “vào nơi gió cát”, đang phải chịu đựng muôn vàn khổ ải cả về thể xác lẫn tinh thần:
Nội không muôn dặm xiết sao dãi dầu. 
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn, 
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon. 
Ôm yên gối trống đã chồn, 
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh… 
Não người áo giáp bấy lâu, 
Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây…
Cứ thế, chàng kiệt quệ dần để rồi cuối cùng chạm trán với cái chết ghê rợn:
Trải chốn nghèo (nguy) tuổi được bao nhiêu? 
Non Kì quạnh quẽ trăng treo, 
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò. 
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi, 
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…
Nhưng dù chết, kẻ giáo điều chủ nghĩa vẫn không tự nhận thức được tấn bi kịch của đời mình, vẫn chấp nhận… bị bịp đến chết!
Nếu chinh phụ cũng đồng quan điểm với chồng thì chẳng có vấn đề gì phải bàn, và tác phẩm chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng… nhạt như nước ốc!
Thế nhưng các tác giả của Chinh phụ ngâm – những nhà nhân bản chủ nghĩa thực thụ của dân tộc Việt Nam, mang trong mình thiên chân và những yếu tố trí tuệ thuần khiết của con người Việt Nam – ngay từ phút đầu đã cảnh báo về thảm hoạ của chiến tranh, nhất là thảm hoạ mà người phụ nữ phải gánh chịu:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, 
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Và toàn bộ tác phẩm là sự bóc trần thực trạng đời sống – nhất là đời sống nội tâm tràn ngập đau buồn – của chinh phụ. Nỗi đau khổ của nàng phản ánh chính xác và đầy đủ nhất nhân bản đích thực của nàng. Chính cái nhân bản ấy đã khiến nàng có được một cảm quan, một cặp mắt thần để nhìn rõ bộ mặt hắc ám của chiến tranh, điều mà chồng nàng không nhìn thấy. Đối với nàng, chiến tranh chỉ là địa ngục, không hơn.
Chiến tranh được nói đến trong tác phẩm thực chất chỉ là chiến tranh giữa quan quân triều đình Lê – Trịnh với các phong trào khởi nghĩa của nông dân trong thế kỉ XVIII (dưới triều Trịnh Giang và Trịnh Doanh). Đề tài về chiến tranh chính nghĩa giải phóng đất nước khỏi ách ngoại bang không thuộc phạm vi của Chinh phụ ngâm. Tuy nhiên, các tác giả Chinh phụ ngâm dường như có một cái nhìn “nhất nguyên” về chiến tranh nói chung thể hiện trong câu thơ “Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về”: cho dù Ban Siêu là anh hùng ái quốc thực thụ đi nữa thì tính bi kịch của nhân vật này vẫn quá ư rõ nét.
Đối nghịch với quan điểm của bọn vua chúa, Chinh phụ ngâm đã vạch trần một sự thật: giấc mộng vinh quang của chinh phu chỉ là hư ảo, còn nỗi đau khổ vô cùng tận của vợ chồng chàng, gia đình chàng là sự thật. Trên thực tế, bọn vua chúa đâu có màng ngó đến những nỗi thống khổ của nhân dân:
Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ? 
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên?
Có thể nói các tác giả đã chỉ “đích danh thủ phạm” gây nên nỗi thống khổ cho nhân dân, cho chinh phu và chinh phụ: đó chính là bọn vua chúa ích kỉ, tham tàn!
Đối lập với bộ mặt hắc ám của chiến tranh là giấc mơ đoàn viên hạnh phúc của chinh phụ:
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp, 
Xin vì chàng rũ lớp phong sương, 
Vì chàng tay chuốc chén vàng, 
Vì chàng điểm phấn đeo huơng não nùng… 
Liên ngâm đối ẩm đòi phen, 
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già…
Mô tả hai cảnh huống đối lập giữa chiến tranh và hoà bình, Chinh phụ ngâm khẳng định chân lí: hoà bình là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc con người, hạnh phúc lứa đôi; chiến tranh là hung thần tàn phá hạnh phúc ấy. Chân lí ấy toát lên từ khát vọng cháy bỏng nhất của dân tộc ta trong thế kỉ XVIII đầy loạn li tang tóc cũng như trong tất cả các thời đại khác.
Trong bối cảnh xã hội xảy ra chiến tranh liên miên, trong nghịch cảnh vợ chồng chia li, Chinh phụ ngâm đã khắc hoạ một bức tranh toàn bích về thế giới tâm hồn kì diệu, sâu sắc và sống động lạ thường của một phụ nữ Việt Nam điển hình thời phong kiến.
Chúng ta đều biết người đàn bà là kiệt tác của vũ trụ. Hình ảnh người con gái Việt Nam dịu dàng, duyên dáng, tâm hồn tinh tế, chúng ta đã gặp trong ca dao, dân ca, truyện nôm khuyết danh… Nhưng riêng trong Chinh phụ ngâm (tương tự như trong Cung oán ngâm khúc và Truyện Kiều ), chúng ta gặp một thiếu phụ tuyệt vời hiện lên trong hào quang của văn chương bác học. Tuy thuộc tầng lớp trên trong xã hội, nhưng nếp sống của nàng vẫn hết sức gần gũi với nếp sống của những phụ nữ bình dân khác:
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa, 
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm…
Tuy nhiên chỉ ở nàng mới có phong cách quí phái mà người bình dân bao giờ cũng ngưỡng mộ:
Nhủ rồi tay lại trao liền, 
Bước đi một bước lại vin áo chàng… 
Đề chữ gấm phong thôi lại mở, 
gieo bói tiền tin dở còn ngờ… 
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước, 
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen… 
Hương gượng đốt hồn đà mê mải, 
Gương gượng soi lệ lại chứa chan, 
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn, 
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng…
Ở đẳng cấp trên, có học vấn, tâm hồn chinh phụ dồi dào vẻ đẹp hơn, sâu sắc và ở tầm cao hơn những người phụ nữ bình dân chất phác và không được học hành. Chính cái tâm hồn phong phú, sống động, chính cái trí tuệ sáng láng lạ thường của nàng đã tạo ra cả một nguồn suối tràn trề làm chất liệu cho một thiên trường thi trữ tình bất tuyệt.
Lần theo những dòng suy nghĩ và những cảm xúc cuồn cuộn của nàng, chúng ta không thể không thán phục khối óc mẫn tuệ và sự nhạy cảm của trái tim nàng. Gót sen giẫm lên những giáo điều khô cứng, nàng đặt ra một câu hỏi hết sức nhân bản:
Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ, 
Chàng há từng học lũ vương tôn, 
Cớ sao cách trở nước non, 
Khiến người thôi sớm thì hôm những sầu?
Không tự lừa dối mình và cũng không chịu để cho người lừa dối, nàng hối hận đã không ngăn cản chồng ăn bả vinh hoa, để đến nỗi bây giờ cả hai cùng phải hứng chịu nỗi đau khổ ê chề:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, 
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong…
Chẳng khác gì một triết gia của chủ nghĩa nhân bản, nàng khẳng định hạnh phúc trần thế chính là từ cuộc sống thực tại:
Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh, 
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay. 
Liễu, sen là thức cỏ cây, 
Đôi hoa cũng sánh, đôi dây cũng liền. 
Ấy loài vật tình duyên còn thế, 
Sao kiếp người nỡ để đấy đây? 
Thiếp xin về kiếp sau này 
Như chim liền cánh như cây liên cành. 
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy, 
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau…
Không những có một khối óc mẫn tuệ, chinh phụ còn có một trái tim tràn trề tình cảm, thứ tình cảm vừa thanh cao, băng tuyết lại vừa ướt át và đắm đuối. Tình yêu của nàng với chồng không gì sánh nổi. Và mặc dù sống cách chúng ta hai thế kỉ rưỡi nhưng nàng đã tìm thấy được tình yêu đích thực, xứng đáng với con người nàng:
Trang phong lưu đang chừng niên thiếu, 
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên… 
Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá, 
Gương lầu Tần dấu đã soi chung… 
Mở khăn lệ chàng trông từng tấm, 
Đọc thơ sầu chàng thẩm từng câu…
Hơn ai hết, nàng hiểu được cái giá của hạnh phúc lứa đôi. Vì thế phải xa chồng là nỗi buồn khổ lớn nhất đối với nàng:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió, 
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn… 
Khắc giờ đằng đẵng bằng niên, 
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa… 
Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói, 
Sớm lại chiều dòi dõi nương song. 
Nương song luống ngẩn ngơ lòng, 
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai… 
Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ, 
Chua cay này há có vì ai? 
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi, 
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề…
Nhưng không chỉ có một thế giới nội tâm cực kì hàm súc, chinh phụ còn thể hiện đức hạnh cao quí đặc trưng của phụ nữ Phương Đông. Nàng đã thay chồng gánh vác tất cả công việc gia đình, nuôi mẹ, nuôi dạy con thơ:
Ngọt bùi thiếp đỡ hiếu nam, 
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân. 
Nay một thân nuôi già dạy trẻ, 
Nỗi quan hoài mang mẻ biết bao…
Thái độ và cách ứng xử của nàng trong nghịch cảnh vượt xa những hạng đàn bà tầm thường như vợ Tô Tần ngày xưa:
Thiếp chẳng dại như người Tô phụ… 
Trên khung cửi dám rẫy ruồng làm cao. 
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp, 
Xin vì chàng rũ lớp phong sương, 
Vì chàng tay chuốc chén vàng, 
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng…
Dù phải đau khổ khôn cùng, nàng vẫn tỏ ra là một người có bản lãnh cả về tâm hồn lẫn đức hạnh, không hề mang thói “nhi nữ thường tình” mà giận hờn, oán trách chồng. Thậm chí nàng còn cố gắng dung hoà với “lí tưởng” của chồng:
Non Yên tạc đá đề danh, 
Triều thiên vào trước cung đình dâng công. 
Ơn trên tử ấm thê phong, 
Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời…
Tình yêu “đàn bà” ở nàng đã lấn át tất cả: nàng chịu đựng hết, chấp nhận hết, tha thứ hết cho chồng và cho cả cái cuộc đời đã làm nàng đau khổ, một khi chồng nàng đã trở về với nàng! Phải chăng đó là một nét đẹp tuyệt diệu khác ở nàng: là tính cách nghiêng về tình cảm hơn là về lí trí, là nết nhu thuận dịu hiền mà một triết gia Phương Tây đã coi là đức tính số một của phụ nữ?
Chinh phụ ngâm – cuốn nhật kí tâm hồn của một người vợ trẻ có chồng đi lính – đã diễn tả một cách đặc sắc thế giới chân thực, đầy nhân bản của một người phụ nữ Việt Nam thời xưa, là biểu trưng quí báu của người phụ nữ Việt Nam chân chất ở mọi thời đại, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc ta.
Trên lập trường nhân bản , vì hạnh phúc của lứa đôi và của con người nói chung, ngấm ngầm phản bác những giáo điều chính thống, Chinh phụ ngâm là lời oán thán, là tiếng nói tố cáo chiến tranh do những tập đoàn phong kiến gây ra vì quyền lợi ích kỉ của chúng, là khát vọng hoà bình của dân tộc ta trong thế kỉ XVIII đau thương. Tác phẩm gián tiếp nêu lên yêu cầu bức xúc của lịch sử: phải thực hiện nền hoà bình cho đất nước, phải đảm bảo hạnh phúc của tình yêu, của gia đình cũng như hạnh phúc của trăm họ. Và việc thực hiện yêu cầu ấy trước hết thuộc về những người đang gánh vác trách nhiệm “chăn dân”!
Về nghệ thuật, Chinh phụ ngâm là tác phẩm thơ tiếng Việt ưu tú vào bậc nhất của văn học cổ điển Việt Nam.
Ngôn ngữ văn học dân tộc đã được nâng tới một trình độ tuyệt đỉnh. Mỗi câu thơ đều được cấu thành bởi những từ ngữ tinh xác về ý nghĩa, óng chuốt về hình thức, tuy được gọt giũa công phu nhưng lại không mắc căn bệnh “chạm sâu”, “khoe chữ” cầu kì diêm dúa của những thứ văn chương tầm thường. Nói cách khác, vẻ đẹp tuyệt trần của ngôn ngữ hoàn toàn nhắm vào mục đích tối cao: đặc tả thế giới khi thì hiện thực khi thì mang màu sắc lãng mạn, nhất là đặc tả thế giới tâm hồn vô cùng sống động của chinh phụ.
Những câu thơ đầy hình ảnh như một bức tranh dân dã hay tranh sơn thuỷ:
- Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, 
Đường bên cầu cỏ mọc còn non. 
- Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc, 
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên. 
Lá màn lay ngọn gió xuyên, 
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm. 
- Lũng tây thấy nước dường uốn khúc, 
Nhạn liệng không sóng giục thuyền câu. 
Ngàn thông chen chúc khóm lau, 
Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về…
Những câu thơ chứa cái thần kì lạ ở bên trong mà chỉ một cây bút siêu đẳng mới viết nổi:
Non Kì quạnh quẽ trăng treo, 
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò. 
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi, 
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…
Những câu thơ tả chinh phụ sắc nét và có thần:
Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không, 
Trâm cài xiêm giắt thẹn thùng, 
Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo. 
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước…
Tuyệt diệu hơn cả là những câu thơ tả tình, diễn đạt mọi trạng thái tâm lí tinh tế:
Sớm lại chiều dòi dõi nương song. 
Nương song luống ngẩn ngơ lòng, 
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?
Khá nhiều câu thơ dùng ngoa ngữ một cách đắc địa:
- Sắt cầm gượng gảy ngón đàn, 
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng. 
- Sương như búa bổ mòn gốc liễu, 
Nước dường cưa xẻ héo cành ngô. 
- Gõ sênh ngọc mấy hồi không tiếng, 
Ôm đàn tranh mấy phím rời tay. 
- Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt, 
Trống tiều khua như rứt buồng gan. 
Võ vàng đổi khác dung nhan…
Nhiều hình dung từ, động từ, trạng từ được sử dụng với ý đồ cường điệu tạo nên những câu thơ rất “đắt”: ào ào gió thu, cờ bay ngùi ngùi, gà eo óc gáy, mối sầu dằng dặc , bến Ngân sùi sụt, quạnh quẽ trăng treo, gió thổi đìu hiu, phơ phất mái sương, bơ phờ tóc mai, hương gượng đốt, gương gượng soi, nhớ chàng đằng đẵng, lung lay bóng nguyệt, thét roi, gió thốc, rứt buồng gan…
Chinh phụ ngâm tiếp tục truyền thống chuyển hoá những điển cố, những câu thơ gốc Hán sang tiếng Việt, làm giàu cho từ vựng văn học Việt:
- Chí làm trai dặm ngàn da ngựa, 
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao. 
- Lòng này gửi gió đông có tiện, 
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên. 
- Lớp mây ngại mắt khôn nhìn, 
Đâu nơi chinh chiến đâu miền Ngọc quan? 
- Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, 
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong. 
- Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ, 
Thiếp dạo hài lối cũ rêu in. 
- Tên ghi gác khói, tượng truyền đài Lân…
Chinh phụ ngâm sử dụng thể thơ dân tộc song thất lục bát. Thể thơ này giàu nhạc tính hơn thể thơ lục bát bởi hai vần trắc ở hai câu thất , đọc lên nghe réo rắt hơn, rất thích hợp với những tác phẩm trữ tình dùng để ngâm hơn là để đọc. Chính vì đặc tính ưu việt đó mà nhiều nhà thơ đời sau đã tiếp tục sử dụng thể thơ này để sáng tác những “khúc ngâm” hoặc những bài thơ như Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến), Nói chuyện với ảnh, Thư trách người tình nhân không quen biết (Tản Đà), Thức giấc, Hồ xuân và thiếu nữ (Thế Lữ), Tiếng đàn mưa (Bích Khê)… Tiếc rằng thể thơ dân tộc tuyệt diệu này hiện nay hầu như không còn mấy ai sáng tác nữa trong khi thể thơ lục bát (nghèo âm điệu hơn) vẫn được đặc biệt phát huy. Phải chăng đó là sơ suất và khiếm khuyết lớn của những người làm thơ đương đại, và điều đó cần phải được khắc phục?
Vừa sử dụng tiếng Việt một cách điêu luyện, vừa sử dụng thể thơ thuần túy dân tộc, bản diễn nôm Chinh phụ ngâm là tác phẩm văn chương bác học đạt tới tầm nghệ thuật đỉnh cao. Chính vì vậy mà Chinh phụ ngâm đã trở thành tác phẩm “thuộc nằm lòng”, trở thành máu thịt của người Việt Nam trong suốt mấy thế kỉ qua, giống như Truyện Kiều của Nguyễn Du.
                                               (ST.Cảm ơn tác giả)
                                         

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

CHỈ SỐ HUYẾT ÁP NÓI LÊN THỰC BỆNH



GC xin chào các bạn !
  Năm dương lịch vừa đến,năm âm lịch sắp qua,mình học KCYD mình đăng bài của thầy Đỗ Đức Ngọc nói về các chỉ số của huyết áp mà thầy đã dậy tuy không mới nhưng ngay cả bác sỹ tây y cũng không hiểu cặn kẽ về các chỉ số này,nó rất chi tiết cho việc chuẩn đoán chinh xác bệnh của bạn.KCYD kết hợp bắt mạch qua các chỉ số huyết áp bằng máy đo huyết áp vừa chính xác mà rất khoa học.
  A ! vừa rồi mình cũng biết một số bác sỹ đo huyết áp cả hai tay ,đó là cách đo của KCYD đấy và nhớ đo cả hai chân nữa nhé .(Mỗi vị trí đo cho biết bệnh tình trong từng tạng phủ... )
Còn bây giờ lấy đâu ra thầy thuốc đông y bắt mạch chính xác mà mình thấy không thuyết phục vì thế mà thuốc đông y thì rất tốt mà thầy bắt mạch không chuẩn nên đã làm giảm uy tín của thuốc đông y.
 Do đó bạn nên tham gia học KCYD là môn Y Học bổ sung ai cũng có thể học để tự làm bác sỹ cho chính mình nhé ,phải biết khi nào cần vào bệnh viện và dùng thuốc đông y hay tây y nhé,nhất là thực phẩm chức năng của đông y rất tốt hãy bổ sung thường xuyên đừng để quá thiếu hụt mà sinh bênh:
-Phương châm là phòng bệnh hơn chữa bệnh các bạn ạ !(học KCYD Thầy Đỗ Đức Ngọc trên trang mạng nhé ). Chúc các bạn thành công ,xin cảm ơn !(Hãy xem lại bài những xác chết biết nói ,bài được giải NOBEN Y Học )




Huyết Sẽ Biết Được Cách Chữa Đúng Vào Những Bệnh Thuộc Khí-Huyết Hư-Thực, Hàn-Nhiệt


Tiêu chuẩn áp huyết theo KCYĐ :

90-95 (1 tuổi đến 5 tuổi) mạch nhanh không chính xác.

95-100/60-65mmHg, mạch tim đập 60 là áp huyết ở tuổi thiếu nhi.(6 tuổi-12 tuổi)

100-110/60-65mmHg, mạch tim đập 65 là áp huyết ở tuổi thiếu niên (13 tuổi-17 tuổi)

110-120/65-70mmHg, mạch tim đập 65-70 là áp huyết ở tuổi thanh niên (18 tuổi-40 tuổi)
120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)
130-140/80-90mmHg, mạch tim đập 70-80 là áp huyết ở tuổi lão niên (60 tuổi trở lên)
Thí dụ lấy tiêu chuẩn áp huyết ở lứa tuổi trên 60 :
130-140/80-90mmHg, mạch tim đập 70-80 là áp huyết ở tuổi lão niên (60 tuổi trở lên)
Số thứ nhất 130-140 là tâm thu, chỉ áp lực Khí đẩy huyết, thuộc Khí. Số thứ hai 80-90 là tâm trương chỉ lượng máu qua van tim, máu qua ít van tim mở hẹp lại, lượng máu qua nhiều van tim mở to ra, nên số thứ hai biết được tình trạng của Huyết. Số thứ ba chỉ nhịp tim chậm thuộc Hàn, nhịp tim nhanh thuộc Nhiệt.
A-Những bệnh thuộc Khí theo đông y có những số đo áp huyết như sau ở tuổi trên 60 :
Khí Thực : trên 150/80-90mmHg nhịp tim 70-80
Khí Hư : Dưới 120/80-90mmHg nhịp tim 70-80
Khí Hàn : 130-140/80-90mmHg nhịp tim dưới 60
Khí Nhiệt : 130-140/80-90mmHg nhịp tim trên 90
Khí Thực Hàn : Trên 150/80-90mmHg nhịp tim dưới 65
Khí Thưc Nhiệt : Trên 150/80-90, nhịp tim trên 90
Khí Hư Hàn : Dưới 120/80-90mmHg nhịp tim dưới 60
Khí Hư Nhiệt : Dưới 120/80-90mmHg nhịp tim trên 90
B-Những bệnh thuộc Huyết theo đông y có những số đo áp huyết như sau ở tuổi trên 60 :
Huyết Thực : 130-140/ trên 90mmHg nhịp tim 70-80
Huyết Hư : 130-140/ dưới 70mmHg, nhịp tim 70-80
Huyết Hàn, Huyết Nhiệt : Không có trường hợp này mà lệ thuộc vào Khí Hư hay Thực
C-Những bệnh thuộc vừa Khí vừa Huyết theo đông y có những số đo áp huyết như sau ở tuổi trên 60 :
Khí và Huyết Thưc : Trên 150/trên 90mmHg nhịp tim 70-80
Khí và Huyết Hư : Dưới 120/dưới 70mmHg nhịp tim 70-80
Khí và Huyết Thực Nhiệt : Trên 150/trên 90mmHg nhịp tim trên 90
Khí và Huyết Thực Hàn : Trên 150/trên 90mmHg nhịp tim dưới 65
Khí và Huyết Hư Nhiệt : Dưới 120/dưới 70mmHg nhịp tim trên 90
Khí và Huyết Hư Hàn : Dưới 120/dưới 70mmHg nhịp tim dưới 65
Khí Thực Huyết Hư Nhiệt : Trên 150/dưới 70mmHg nhịp tim trên 90
Khí Thực Huyết Hư Hàn : Trên 150/dưới 70mmHg nhịp tim dưới 65
Khí Hư Huyết Thực Nhiệt : Dưới 120/trên 90mmHg nhịp tim trên 90
Khí Hư Huyết Thực Hàn : Dưới 120/trên 90mmHg nhịp tim dưới 65
Tất cả những trường hợp áp huyết như trên, đối với tây y không phải là bệnh, nên không thể biết cách chữa, nhưng đông y bắt mạch chính xác và kiểm chứng lại bằng máy đo áp huyết sẽ có những con số cụ thể, từ đó mới có cách chữ đúng theo phương pháp Đối Chứng Trị Liệu Lâm Sàng, bằng thuốc hay ăn uống bằng Tinh điều chỉnh tăng giảm Huyết, cách tập Khí để điều chỉnh tăng giảm Khí, điều chỉnh Thần ở Đan Điền Thần tăng nhiệt hay Đan Điền Tinh ở huyệt Khí Hải giảm nhiệt
D -Trường hợp đặc biệt :
Đối với tây y :
Khi nhịp tim cao hơn 120 mà cơ thể tăng nhiệt là sốt cao, có hai loại : máu nhiễm trùng và máu không nhiễm trùng, nhưng không biết Khí hay Huyết Hư hay Thực đẻ có cách chữa khác nhau như đông y.
Còn trường hợp nhịp tim nhanh, nhưng đo nhiệt kế không có sốt, tây y thử máu không có nhiễm trùng thì bó tay, trường hợp này đông y gọi là nội nhiệt ngoại hàn.
Riêng trường hợp hư nhiệt giả hàn, hư hàn giả nhiệt thuộc bệnh nan y, đông y gọi là thương hàn, nhưng vẫn không phát hiện ra được dấu hiệu sắp bị bệnh ung thư thực chứng và hư chứng.
Ung thư theo kinh nghiệm bằng máy đo áp huyết so với tiêu chuẩn tuổi là thiếu máu trầm trọng trong suốt thời gian dài 30-40 năm khi ở tuổi người lớn mà áp huyết chỉ bằng trẻ em còn trong bụng mẹ, áp huyết tâm thu thuộc khí dưới 80 :
Khi cơ thể thiếu khí (dưới 80) sẽ không đủ khí lực đẩy máu tuần hoàn theo đông y, nhưng theo tây y, không đủ oxy để duy trì công thức máu Fe2O3 làm mất máu chỉ còn lại chất sắt Fe2, nhưng không thể bồi bổ máu cho cơ thể thêm chất sắt sẽ dư thừa. Ngược lại theo Khí Công cơ thể dư chất sắt chỉ cần tập khí công tăng thêm oxy cho máu thì tế bào máu được phục hồi, nhưng nếu cơ thể thiếu lượng máu, thì tập khí công thì khí dư huyết vẫn thiếu, nên vẫn cần bồi bổ huyết bằng ăn uống hay chích B12 và tập bài Nạp Khí Trung Tiêu, Đứng Hát Kéo Gối Lên Ngực làm tăng khí huyết, tăng áp huyết và tăng hồng cầu.
Những bệnh ung thư thường có áp huyết như :
80/70-80mmHg nhịp tim 60 người lạnh chân tay lạnh, thuộc chứng hư mãn tính
80/70-80mmHg nhịp tim 120 trong người nóng (hư nhiệt) chân lạnh, bàn tay nóng, mặc áo ấm đắp chăn ấm.
Tạng phủ nào trong cơ thể thiếu máu đến nuôi dưỡng, tế bào nơi đó sẽ bị suy yếu dần trở thành tế bào ung thư, nên tây y xác nhận ung thư không có vi trùng, nhưng không tìm được nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vì không biết nguyên nhân do khí huyết bằng cách kiểm chứng bằng máy đo áp huyết.
Khi không có tạng phủ nào có dấu hiệu tế bào ung thư, thì ung thư đó thuộc về ung thư máu.
Cách chữa đúng được kiểm chứng theo dõi áp huyết tăng dần, đúng và đủ theo tiêu chuẩn tuổi. Cách chữa sai khi áp huyết giảm dần xuống 70mmHg thì bệnh nhân chết.
Để phòng ngừa ung thư, những ai có áp huyết dưới 100 cần chích B12 và ăn uống những thức ăn bổ máu, tập luyện khí công.
Theo đông y ung thư không có di căn, khí huyết hư không truyền bệnh theo vòng tương khác, mà chỉ truyền theo vòng tương sinh mẹ con.
Nơi gọi là di căn là nơi tế bào đã thiếu máu sẵn, nhưng chỉ có nơi có nhiều tế bào thiếu máu được phát hiện ra trước, rồi nơi khác theo thời gian cơ thể thiếu máu tiếp sẽ bị phát hiện ra sau, vì theo tây y khi chữa ung thư gọi là khỏi bệnh thì áp huyết vẫn ở mức thiếu dưới tiêu chuẩn tuổi.
Những người có bệnh cao áp huyết mà uống thuốc hạ áp huyết xuống dưới tiêu chuẩn tuổi, theo cách chẩn mạch của đông y cũng sẽ có biến chứng thành bệnh khác.
Thân

doducngoc

 CHÍP BÔNG
Nguyễn Hải Như lớp 4 Lê Ngọc Hân Hà Nội

Cản nhà đang ăn cơm
Reng reng … tiếng điện thoại
Bác bệnh nhân gọi lại
Bố em vội đi liền

Rồi đến quá nửa đêm
Reng reng … tiếng điện thoại
Tắt máy mẹ gọi lại:
“Bác sốt có ho không?”
Mâm cỗ ngày giỗ ông
Mọi người đang xum họp
Cốc bia đang nhảy nhót
Điện thoại lại reng reng …
Cả bố và mẹ em
Đều lắc đầu buồn bã
“Thương bác bệnh nhân quá
Chưa đợi được con về!”
Cả nhà em về quê
Điện thoại theo bố mẹ
-”Bị tai nạn nặng thế
Chuyển đến Việt Đức ngay!”

Kỳ nghỉ hè năm nay
Cả nhà đi nghỉ mát
Biển Cửa Lò xanh ngát
Điện thoại dò sóng vào!
-”Nếu bác vẫn sốt cao
Chuyển ngay vào bệnh viện
Để bác sĩ xét nghiệm
Xem chủng Virus nào?”
Điện thoại của Bác sĩ
Theo đi khắp mọi nơi
Cũng khám bệnh chữa bệnh
Tư vấn cho từng người!
Em cháu tít mắt cười
Reng reng … nghe điện thoại
“Bố mẹ cứ thoải má
Tiếp bệnh nhân gần xa!”
                  (ST)