Xem ảnh đề thơ . Từ thơ vào ảnh - đó là Tự sự của NSNA Ngô Toàn Thắng - Hà Nội
Tấm ảnh " Thiếu nữ năm võng" tới bài thơ " Ru em" của Ngô Toàn Thắng - Hà Nội xin được trân trọng giới thiệu :
RU EM
(Khán hình xuất thi – Xem ảnh ra thơ)
Có phải em nằm dưới bóng câu?
Hay nàng Ngọc Nữ lỡ qua cầu?
Trăng còn ngớ ngẩn soi sai sáng.
Gió cũng vòng vo thổi lạc mầu.
Gió hãy bay về khe núi thẳm!
Trăng nên lặn xuống đáy sông sâu!
Mình ta đánh võng chờ em ngủ.
Để được ru em đến bạc đầu.
ĐÔI DÒNG TỰ BẠCH
Trước hết đó là thể loại vịnh ảnh hay còn gọi là: “Đề thơ cho ảnh”. Đây là việc mà các nhà nhiếp ảnh sau khi chụp được tác phẩm, ngồi xem lại, thường bảo nhau đặt tên hoặc đề thơ với dụng ý định hướng cho người xem thấy cái “đằng sau” tấm ảnh mà “đằng trước” chưa nói hết. Từ ngày có cái mạng internet tôi thường đưa ảnh lên để minh họa cho bài viết hoặc đơn thuần chỉ những tấm ảnh và đề nghị các bạn đặt tên hoặc đề thơ. Kết quả thu được thật phong phú và chính những cái tên và bài thơ ấy lại gợi mở cho tôi hướng sáng tác cho lần sau. Tôi thành tâm xin cảm tạ các bạn đã nhiệt tình và vô tư giúp cánh nhiếp ảnh chúng tôi định hướng sáng tác.
Xin quay trở lại tấm ảnh cô gái nằm võng. Thực ra đây không phải là đề tài mới về nội dung nhưng trong nhiếp ảnh không nhất thiết cứ đòi hỏi toàn bộ nội dung phải mới mà vẫn đề tài đó nhưng cách thể hiện phải mới. Tấm ảnh tôi chụp cô gái ngủ võng với cách thể hiện không toàn cảnh mà chỉ tập trung vào thần nhân vật với bố cục kiểu chân dung nửa thân, bắt thời cơ xuất thần của nhân vật trong trạng thái mông lung, chờ đợi một khát vọng chưa định hình, xa xăm, chờ đợi mà chưa hẳn chờ ai. Bằng kỹ thuật hiện đại tôi đã chuyển sang đơn sắc với ý đồ tôn mảng khối và nhấn sáng kiểu trời đêm cho thêm phần mông lung, huyền ảo.
Làm xong ảnh, tôi định đặt tên thì như có một ma lực lạ từ trong tấm ảnh thổi vào cảm xúc, thế là bài Đường thi: “RU EM” tự nó mở ra cùng với những gì mà đằng sau tấm ảnh muốn nói.
Thời tuổi trẻ tôi đã yêu đến nao lòng người bạn gái ngủ võng bên thềm nhà trọ đêm trăng. (Chúng tôi cùng học một trường đại học và thời đó phải sơ tán trong nhà dân. Bạn gái của tôi đã ngủ võng như vậy khi bài tập chưa xong, nhưng không thể không thiu thiu ngủ khi gió nồm nam từ sông Hồng thổi về mơn man bờ mi đã nặng trĩu các phương trình hóa học dài lê thê ở độ tuổi chớm đôi mươi thời ấy thiếu ăn, thèm ngủ). Kỷ niệm của hơn 40 năm trước đã ào về trong tôi và “RU EM” cho đến bây giờ vẫn còn là hiện thực nhưng chuyển thành “Ru Bà Nội của cháu mình”.
Mở đầu bài thơ Đường, luật trắc vần bằng tôi đã dùng lối nghi vấn vì chính mình cũng không tin điều hiện thực ấy mặc dù đã và sẽ mãi là hiện thực.
Có phải em nằm dưới bóng câu ?
Hay nàng Ngọc Nữ lỡ qua cầu ?
Khi tôi chọn cặp từ “bóng câu” là tôi suy nghĩ đến mảnh trăng non đầu tháng. Cái thời khắc đập vào mắt tôi lúc chưa đầy 20 tuổi hình ảnh người con gái ngủ võng dưới trăng non cuối hạ đầu thu (thời đang ôn thi cuối năm học các môn cơ bản của đại học năm thứ hai). Xin bàn thêm về cặp từ “bóng câu”. Hiểu đó là gì tùy các bạn nhưng nó vừa thực lại vừa hư, vừa là không gian, vừa là thời gian và nó cũng trôi thật nhanh như:”bóng câu qua khe cửa”. Nó là mảnh trăng non hay là hình bóng em tôi nằm võng cong câu cũng có sao đâu; vì đó là câu tôi đang hỏi vào hư vô mà không nhất thiết chờ câu trả lời. Thế mới là thơ Đường… “thời @”.
Em trong thơ là bà nội của cháu tôi bây giờ còn em trong ảnh kém con gái út của tôi khoảng gần bảy tuổi (Hai mươi). Vì vậy mới có câu hỏi nghi vấn đó các bạn ạ. Vậy nàng Ngọc Nữ là ai? Xin nói rõ người con gái trong thơ ấy chính là nàng Ngọc Nữ - con quan hẳn hoi. Bố vợ tôi vốn là một quan chức trong Trung ương. Thời phong kiến xa xưa con quan cỡ ấy thường vẫn gọi là Ngọc Nữ mà. Nhưng sao lại “lỡ qua cầu”? Đúng vậy các bạn ạ nếu xét về hoàn cảnh cụ thể, cô bạn gái ấy người Hà Nội đề huề, thanh lịch về làm dâu đất quê tôi miền trung du bán sơn địa, sắn không đủ ăn nói chi đến cảnh hào hoa, phong nhã, nên đến với tôi coi như “Ngọc Nữ lỡ qua cầu” rồi còn gì phải bàn thêm các bạn nhỉ. Sau khi trở thành vợ tôi Ngọc Nữ ấy lại chịu cảnh nuôi con một mình vì tôi cầm súng lên đường vào chiến trường đánh Mỹ .
Với những lý do đó mà mở đầu thể thơ bác học khó nhằn này tôi lại dùng hẳn hai câu nghi vấn thật chẳng giống ai không biết có bị cụ Đỗ Phủ và cụ Lý Bạch thổi còi phạt vì phạm luật không nhỉ? Thôi bây giờ phải quay lại tức cảnh sinh tình, ý tại Nho giáo vậy.
Trăng còn ngớ ngẩn soi sai sáng.
Gió cũng vòng vo thổi lạc màu.
Hai câu thực này có vẻ được đây, đối chan chát cả từ, cả ý mà xem ra thật ý vị thâm nho chứng tỏ em tôi xinh thật nên không phải chỉ gió và trăng vòng vo, ngớ ngẩn mà chính các bạn cùng trang lứa với tôi ngày đó cũng khối anh chết dở, trừ tôi.
Là bởi vì ngay từ thời đó tôi đã nhận ra em có mặt trên đời để trời xe duyên đôi lứa cho tôi và em. Do đó tôi mới khuyên các chàng trai khác như kiều khuyên trăng, gọi gió thế này:
Gió hãy bay về sau núi thẳm.
Trăng nên lặn xuống dưới sông sâu.
Oai ra phết, chưa chi đã ra vẻ ta đây đuổi hết mọi tình địch để khư khư ngồi bên em như thần giữ của mới lạ chứ. Sao lại lạ nhỉ, đã yêu em theo ý trời xe thì kể cả chết cũng quyết một lòng vì tình yêu thổn thức, mơ hồ, xa xăm, đắm đuối chứ. Bản lĩnh của người trai đât Tổ hoang sơ là vậy, đúng tính cách Sơn tinh, sẵn sàng nghênh chiến với Thủy tinh vì biết rõ đằng nào vua cha nàng Mỵ Nương (tức là nhạc phụ đại nhân) đã có cảm tình riêng rồi nên mới thách cưới toàn sản vật của rừng chứ sông biển đào đâu ra: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Công nhận hai câu luận này mang tính chiến đấu cương quyết thật nhưng phương pháp lại thật mềm dẻo, dễ thương thế, nỡ nào họ chẳng nhường nhịn cho chàng trai đất Tổ hoang sơ được về kết trọn vẹn:
Mình ta đánh võng chờ em ngủ.
Để được ru em đến bạc đầu.
Thưa các bạn, hai câu này đã khép lại bài thơ và cũng là khép cuộc đời tôi cho đến bây giờ, đầu đã bạc vẫn được ru bà nội các cháu và các cháu nội ngủ ngon lành. Em trong thơ là vậy, còn em trong ảnh vẫn chưa có ai ru. Địa chỉ rất dễ tìm xin mời đến gặp tôi và nhớ mang theo quà hối lộ, tôi sẽ chỉ chỗ đến để mà “ru em”…; Hỡi các chàng trai chưa vợ trên khắp hành tinh xanh thân yêu !!!
- NSNA: NgôToàn Thắng - (Sưu tầm ,GC xin cảm ơn tác giả ! )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét