Con Người không có Nước-Như không thấy Mặt Trời


Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Thơ tình thời con gái của các nhà thơ nữ



"Thời con gái như một thiên đường vừa qua đi". Một người bạn gái từng bùi ngùi nói... Chị đọc một bài thơ tình. Lời mộc, tính hồn hậu... Và, chị kể về lần yêu thứ nhất... Tôi bỗng nghĩ đến những bài thơ tình của thời con gái ... Có biết bao nhiêu người con gái đã yêu. Họ có những nét giống nhau của mối tình đầu. Nhưng đã bao nhiêu người đến được với hạnh phúc, còn bao nhiêu người dang dở? 

Thơ tình của chính người nữ viết ra, hẳn có nhiều điều khác biệt. Bởi khi yêu, với thời con gái rực rỡ nhất, hình như phái đẹp kiêu sa hơn, nhưng cũng mềm yếu hơn. Nhiều người đẹp từng đến với hạnh phúc nhưng đồng thời, bởi đẹp, nên cũng choàng vào mình những bi kịch. Những gam bậc của những người con gái khi yêu đều có những nét khác nhau, do cá tính, do quan niệm, do hoàn cảnh... Biết bao nhiêu dáng vẻ ... Nhớ đến kỷ niệm đẹp về một tình yêu. 

Ý Nhi viết trong bài Dẫu chỉ là cơn mưa

Anh có còn luôn nhớ 
Mùa đông mưa trắng đồi... 
Hoa lau phơ phất gió 
Dốc dài và suối đôi. 

Hay chỉ mình em thôi, 
Tháng năm dài vẫn nhớ 
Như nhớ về đống lửa 
Như nhớ về mặt trời 
Chắc bền và rực rõ 
Thân gần và xa xôi... 

Có khi đó là một tình yêu đẹp, chang chói, người nữ định xoà tay đón, nhưng cái chốc lát ấy, không hiểu nguyên cớ gì (chỉ người trong cuộc mới biết) đã đẩy nó đi để rồi nuối tiếc. Đoàn Thị Ký viết: 

Nửa vòng bông gạo 

Có lần sợi bông gạo bay, 
Như chiếc chong chóng xoay xoay nửa vòng 
Tôi đưa tay đón và mong, 
Đâu ngờ gió tự trong lòng đẩy ra 
Thế là bông gạo bay xa 
Nửa vào chong chóng đã hoà thinh không 
Một mai ngọn gió thổi nồng 
Vẫn còn bông gạo nửa vòng bay bay. . . 

Còn Phi Tuyết Ba, đến với người yêu, thì bên cửa trong nhà đã có một tình huống xảy ra: 

Điều anh không biết 

Riêng điều ấy, không bao giờ anh biết, 
Có một lần em lỡ hẹn với anh 
Chiều vàng xanh nơi góc phố xanh 
Em đến gần cánh cửa xanh hé mở 

Bên bậc cửa có một đôi guốc đỏ 
Đôi chân em sao khó bước qua 
Chỉ một bước thôi là hết cách xa 
Anh gần lắm... phía bên kia đôi guốc 

Chẳng biết vì sao chân em lui bước 
Chiều đương xanh bên cánh cửa xanh. 
Có lẽ nào em lỡ hẹn cùng anh, 
Đôi guốc đỏ biệt rằng em đã tới. 

Tế nhị và tự trọng, nhưng đằng sau đó, cái tâm trạng kín đáo của Phi Tuyết Ba ai mà đoán nổi. Và cái điều anh không biết ấy, đến bao giờ mới nói được ra! 

Những mối tình đã đến với họ. Có những mối tình trong chiến đấu thật đằm thắm, thật hết mình như "Sợi nhớ, sợi thương" của Thuý Bắc... Nhưng cũng có người đã vấp phải những dang dở, cách xa dù đó là một tình yêu thật khó quên. Bùi Kim Anh viết: 

Một tình yêu tha thiết chẳng hẹn hò 
Em với anh chỉ là mộng ước 
Một giấc mơ gần mà không thực 
Rất mặn nồng mà trống trải cô đơn. 

Sẽ chẳng bao giờ đến được cùng anh 
Chỉ một lần thôi là tất cả 
Để cứ đến rồi đi trên đường cúc nở 
Không mùi hương mà vãn nhớ âm thầm.

Thơ tình của phái nữ, có lúc có vẻ như kiêu sa. Bích Ngọc viết: 

Đừng kiếm tìm ta, 
Khi tim ta đang tắt dần ngọn lửa 
Đừng kiếm tìm ta 
Con đường qua lấp đầy cát bụi 
Bàn chân ta không quen quay ngược lại 

Đừng kiếm tìm ta 
Mong manh lắm chạm vào dễ vỡ 
Tìm nơi đâu cho ta sống thật mình. 
Có lúc bồn chồn, nghi hoặc, 

Chiêu Hoa viết: 

Hạt mưa rơi xuống vườn hồng, 
Thời gian rơi xuống nhớ mong đợi chờ. 
Sao trời rơi xuống giấc mơ, 
Trái yêu lơ lửng, bao giờ mới rơi? 

(Không đề) 

Nói vậy thế thôi, những người con gái khi yêu thường đắm đuối, lắm lúc có thể nói quá là "mê" đi trong yêu. Nguyễn Thị Đạo Tĩnh đã thú nhận cái mê của mình, sau một lần trải nghiệm: 

Cám dỗ 

Mảnh vườn hoang - mắt anh 
Đầy bóng mát đưa chân em lạc bước 
Mải dong chơi, 
Ngày lá biếc 
Gót trần quên đường ra 
Khi mặt đất say no 
Vườn hoang màu nắng tắt 
Giật mình 
Em tỉnh giấc 
Cửa vườn anh 
Lá khép lối về. . . 

Hình như phái yếu khi đã yêu cũng có nhiều những nét khác đám con trai. Cái sợ nhất của người nữ chính là sự cô đơn, xa cách. 

Thu Nguyệt viết: 

Em ngồi hoá đá thành thơ 
Trả anh ngày tháng anh đưa qua cầu. 
Em ngồi hoá đá thành chiều 
Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa. . .

Tôn Nữ Trà Mỹ viết: 

Đợi anh chiều thứ bảy 
Hoa mưa nở đầy trời. . . 
... Hay là em sẽ khóc 
Vì không thấy anh sang 

Hoa không nở một cành. 
Chim không đậu một mình 
Ai ơi: đừng phụ tình 
Lẽ nào em xa anh... 

(Hoa mưa)

Nguyễn Thị Hồng Ngát, khi xa người yêu mới thấy hết nỗi cồn cào của thương nhớ. Cái nhớ mà ca dao xưa nói: "Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi. Như đứng đống lửa như ngồi đống than", đã được chị cụ thể hoá trong thời gian và công việc khi xa cách trong bài thơ "Em mới hiểu"... Còn Xuân Quỳnh tả sự thớ thương gắn bó khi yêu giữa người con trai và người con gái nồng hậu thắm thiết trong bài thơ nổii tiếng của chị "Thuyền và Biển". Nhưng lớp trẻ, những nhà thơ trẻ, xuất hiện gần đây, tả sự yêu thương gắn bó đã theo những ấn tượng khá hiện đại mà dư âm của tình yêu không phải đã kém phần mê đắm. Vũ Thị Huyền viết: 

Nếu có thể 

Nếu có thể 
Sương tan vào cỏ 
Thì em tin cỏ sẽ rất xanh 
Nếu có thể 
Em tan vào anh 
Thì em tin 
Anh cũng xanh như cỏ. . . 

Nguyễn Bảo Chân có một mảnh trời thu để gửi gắm tình yêu cho người mình thương nhớ:

Với bao nhiêu lá 
Thì mùa thu đi 
Tàn bao nhiêu nắng 
Thì gió đông về 

... Mắt em đánh đắm 
Mảnh nào trời thu 
Anh về nơi ấy 
Có tìm bâng quơ 

Anh về nơi ấy 
Nắng vàng không anh? 
Với bao nhiêu lá 
Thì còn lại em! 

(Thì còn lại em)

Nhưng điều mà trong Thơ tình thời con gái(*) quan tâm nhiều nhất, đó là hạnh phúc. Không ai muốn khi yêu lại không tiến đền hạnh phúc. Hạnh phúc là điều gì rất cần thiết cho nhau, đáp ứng những đòi hỏi không thể thiếu được, như muốn cần cho cơ thể. Dã Hương nói: 

Vàng và muối 

Nếu không có vàng 
Cùng lắm 
Anh chi là kẻ nghèo 

Còn nếu không có muối 
Thì giầu đến như vàng 
Cũng sẽ lăn ra chết 

Đừng vì một lẽ gì 
Phản bội muối 
Đừng vì một lẽ gì 
Phản bội máu 

Dòng máu 
Đỏ vì máu 
Không đỏ vì vàng... 

Bài thơ đầy tính tượng trưng về tình yêu, nhưng cũng đầy bản lĩnh và tính thuyết phục. Có khi, hạnh phúc là một điều chợt đến, nhưng đó là một tình yêu cảm nhận được, là một tình yêu chân chính, một tình yêu trước đây mình chưa hình dung được, bỗng một hôm, nó đến thật dung dị, thật thân gần: 

Em có một tình yêu 
Mỏng manh như nhánh lá, 
Anh bất ngờ như bể 
Đến lặng thinh như tờ... 

Mười năm anh ở rừng 
Em còn là "con nhỏ" 
ở khoảng giữa đôi ta 
ầm ì bom đạn nổ... 

Đang ăn cơm bỗng hát 
Giữa giấc ngủ mỉm cười 
Em bất thường lạ thật 
Bắt đền anh, anh ơi! 

(Khi tình yêu đến)

Nguyễn Kim Anh thì cho rằng, với một người phụ nữ thà rằng như que diêm loé sáng một lần, và được cháy hết mình cho tình yêu: 

Nhưng em sẵn sàng làm chiếc que 
Dám đốt cả trái tim diêm sinh bé xíu 
Cháy đến tận cùng của thân tăm trắng trẻo 
Dù kiếp tàn nhưng hiểu: đã được yêu. 

Nói vậy thôi, chứ tình yêu, thật ra phải là cho cả một đời người và người thơ đã rất có duyên và có lý khi viết: 

Nếu muôn suốt đời ở mãi bên nhau, 
Thì câu ví kia xin người rút lại. 
Bởi cái ngắn ngủi khác xa cái còn mãi mãi 
Mà tình yêu cần đi suốt cuộc đời. 

(Diêm) 

Nhưng có lẽ, hạnh phúc có khi là phút giản dị trong một ngày lao động vất vả. Bài thơ Bên cửa sổ của Song Hảo, một tình yêu hồn hậu, tươi trẻ của một anh lính từ một vùng mặt trận trở về, đến với một cô thợ trẻ tan ca . . . Bỏ lại tất cả những bộn bề vừa trải qua, họ hôn nhau bên cửa sổ và thương yêu tràn đầy đến nỗi tình yêu làm đẹp thêm cho cả phố phường và vầng trăng khuya đêm ấy 

Nhưng, tình yêu có chăng lúc nào cũng chờ ở bên ngoài bậc cửa. Có những cuộc tình trắc trở, bao nhiêu lý do, bao nhiêu buồn tủi, chán nản vây bọc những cuộc tình. Ngang trái có khi ở phía này, ở phía kia, nhưng người con gái, bao giờ cũng thường chịu phần thua thiệt. Có khi là thanh sắc nhạt phai, thời gian đổ xuống vai họ những điều tàn nhẫn. Phan Thị Thanh Nhàn, từng có bài Hương thầm nổi tiếng thời trẻ, đến nay đã phải nói thẳng đến một sự thật phũ phàng: 

Con đường

Nếu anh đi với người yêu 
Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi 
Con đường ta đã dạo chơi 
Xin đừng đi với một người khác em. 
Hàng cây này đã lớn lên 
Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau . 
Hai ta ai biết vì đâu 
Hai con đường đó xa nhau, xa hoài. 

Nếu cùng người mới dạo chơi 
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu. 

Đoàn Thị Lam Luyến, đã công khai nói cái hạnh phúc mà như là nhận lại từ một người đàn bà khác. Đó là một điều chua chát chăng? Chưa hẳn thế... Trong cái muộn mằn "Cái giần vục phải cái sàng. Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau". "Nhặt lại" hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc thật! Cho nên: 

Chị thản nhiên mối tình đầu 
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm... 

(Chồng chị, chồng em) 

Nói là vậy thôi, cứng cáp vậy, nhưng từ ngoài bài thơ, hình như cũng có một nỗi buồn, một sa sót. Có khi là tình yêu một phía. Biết là người tình không đến, nhưng vẫn cứ chờ, vẫn khắc khoải, vẫn yêu, không thể nào khác được. Vũ Thị Hương viết: 

Em chờ 

Chắc gì anh đến hôm nay 
Mà em cứ đợi tàn ngày, trắng đêm 
Hết đi ra cửa ngóng nhìn 
Vào nhà ngồi xuống, đứng lên thẫn thờ 
Chắc gì anh đến bây giờ 
Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương 
Chắc gì? 
Mà dạ cứ thương 
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng 
Đã yêu, yêu đến tận cùng 
Đã thương, thương đến nát lòng vì nhau. 
Chắc gì? 
Đã chắc gì đâu? 
Hôm nay, cả những ngày sau 
Em chờ... 

Làm sao dẫn ra cho hết những tâm trạng, những mối tình thiên hình vạn trạng của thời con gái! Nói như Phạm Thị Ngọc Liên trong bài Một mình trong chiều

Mối tình anh như mái ngói đầy rêu 
Nỗi buồn đóng thành băng 
Em dẫm vào trượt ngã 
Vết nhói đau đến lạ 
Như lời tình ca cũ đã xanh rêu... 

Chẳng có thuốc trường sinh nào 
giữ được tuổi trẻ em 
Chẳng như loài hoa bất tử 
Cứ lóng lánh trong hoàng hôn của mình 

Con chim sẻ bay đi còn lại những dấu chân phiền muộn 

Trên mái ngói đầy rêu 
Như danh thiếp một mối tình đi vắng 
Em ngã trong nỗi buồn thầm lặng 
Già nua 
Mệt nhoài. . . 
Giá như anh có một lần biết được 
Em như con chim sẻ kia 
Bay đi 
Bay đi 
Dù không đến mặt trời. . . 

Thơ tình thời con gái chính là điều chân thành, tâm huyết nhất của những nhà thơ nữ. 

Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
                                                                             ( ST )

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

THIỀN và THỞ



                                                 Lê Tấn Tài



Tập thiền
Nói đến thiền chúng ta nghĩ ngay đến ngồi thiền: bán già, kiết già. Thực ra chúng ta có thể tập thiền trên mọi tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi...), mọi lúc (khi làm việc, lúc nghỉ ngơi...) Tuy nhiên, Thiền và Yoga thường khai thác cách ngồi kiết già để chữa mỏi mệt. Giữ lưng thẳng đứng khi ngồi thiền chữa trị đau cột sống rất hiệu quả, nếu kết hợp với thở bụng cũng có thể làm chậm lão hóa.
Một vấn đề quan trọng khác khi thiền định là phải ý thức rõ hơi thở : “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” Tim đập thì khó theo dõi vì nó đập mau chậm ngoài ý muốn của chúng ta. Các bộ phận khác trong cơ thể cũng khó quan sát chỉ riêng hơi thở thì chúng ta quan sát rất dễ dàng. Lúc lo âu thì thở hổn hển. Lúc sợ hãi thì thở khi nhanh, khi chậm. Thở cũng gắn liền với các hoạt động cơ bắp, mệt thì đứt hơi, khỏe thì hơi thở nhẹ nhàng . Như vậy chỉ cần quan sát hơi thở, chúng ta có thể quan sát được toàn diện thân xác . Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết : "Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi Ta bà!"

Tập thở
Thở quan trọng như vậy nhưng ít ai chú ý đến và nhất là không biết cách thở. Lúc sinh ra, chúng ta thở bằng bụng, tuy nhiên khi lớn lên chúng ta lại thở bằng ngực . Theo chuyên gia Shah thì việc thở bằng ngực làm các khí đọng sẽ nằm ở dưới đáy phổi, có nghĩa không khí trong lành ít đến vùng đáy phổi hơn . Trong khi đó, vùng đáy phổi là nơi chứa nhiều mạch máu ấm áp và ẩm ướt nhất - tức là nơi trao đổi khí và vận chuyển ôxy vào máu nhiều nhất. Như vậy động tác hít vào thở ra là một chu kỳ. Cứ mỗi chu kỳ có khoảng nữa lít khí vào ra cơ thể. Chu kỳ nầy hoạt động khoảng 18 lần trong một phút . Hơi thở cần nhịp nhàng và đều đặn, trung bình 15 nhịp/phút , tạm ngưng một quãng ngắn giữa hít và thở ra. Chỉ cần vài phút tập thở mỗi ngày sẽ có tác dụng rất lớn cho sức khỏe (chống stress, giảm huyết áp, mất ngủ, các chứng bệnh dạ dày, giảm mệt mỏi...), ảnh hưởng rất tốt đến ba hệ thống thần kinh, tuần hoàn và hô hấp.

Các bài tập thở

1/ Thở sâu
Trong cách hít thở thông thường chúng ta chỉ tống khí ra khỏi phần trên và phần giữa của phổi, còn phần dưới là đáy phổi thì không hoạt động và đầy khí cặn . Vậy chúng ta phải tập hít thở sâu đến tận đáy phổi, đẩy hết khí cặn ra ngoài và làm cho khí trong lành tràn vào. Hít thở tối đa sẽ giúp các cơ hô hấp khỏe hơn. Do máu tăng cường nuôi dưỡng các bộ phận, cơ thể sẽ tăng khả năng tự điều chỉnh các rối loạn của các cơ quan. Chẳng hạn sự sợ hãi làm tim hồi hộp vì thải khí carbon quá nhiều, nên hít thở chậm và sâu, tập trung tư tưởng để thư giãn, lấy lại bình tĩnh và quân bình tinh thần. Hít thở sâu trao đổi khí trong phổi và các cơ quan khác từ đó thải khí độc ra khỏi cơ thể và chống được mệt mỏi.

2/ Thở nằm
Nằm ngửa, hai tay giang ra hai bên, lòng bàn tay ngửa lên, nhắm mắt lại, thư giản toàn thân. Hít hơi mạnh vào và đưa xuống bụng rồi thở ra từ từ cho đến khi cảm thấy cơ thể chìm xuống.


3/ Thở đi
Sự hít thở và đi bộ có liên quan với nhau vì đều do khối óc điều khiển. Nên đi chân không khoảng 15 phút và đi bộ thật chậm để nhận thức nhịp thở. Chân trái bước lên, hít hơi mạnh đến khi chạm đất thì thở ra. Lập lại động tác với chân phải. Cơ thể chuyển động giống như trái banh, lưu ý giữ thẳng cột sống. Trong lúc đi, thỉnh thoảng lại kết hợp với thở bụng và thở sâu theo công thức : 4 bước hít vào (phình bụng), 2 bước ngừng thở, rồi 8 bước thở ra.

4/ Thở ngồi
Ngồi xếp bằng theo tư thế kiết già hay bán già, thẳng lưng để cột sống duỗi hẳn ra. Tập trung hít thở vào cơ hoành (màng chắn khoang bụng trên, không phải ở ngực). Nhắm mắt lại, hít vào thở ra đều đặn. Tập khoảng 15 phút mỗi ngày . Thở 4 thì bằng nhau : Thì 1 hít vào sâu, từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được, đồng thời phình bụng ra. Thì 2 nín thở giữ hơi. Thì 3 thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ. Thì 4 nín thở. Thời gian của các thì như nhau.

5/ Thở bụng
Hít vào thì phình bụng, thở ra thì thót bụng và co hậu môn lên, thở thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Nên chú ý dẫn dắt hơi thở theo một hướng nhất định (có thể tưởng tượng hơi thở vào qua mũi, ngược lên đỉnh đầu, ra sau gáy, dọc theo xương sống ... ).

6/ Thở theo Yoga
Có thể tập thở trong tư thế nằm, đứng, ngồi trên ghế, nhưng tốt nhất là ngồi bán già hoặc kiết già. Phép thở yoga cần phải nhẹ nhàng, chậm rãi, đều đặn theo 3 thì (hít vào, giữ hơi, thở ra) hoặc 4 thì (hít vào, giữ hơi, thở ra, nín hít). Cách thở nầy là cách thở thiền định, phải quán sát từng hơi thở của chính mình.

7/ Thở một lỗ mũi
Mũi có bên trái và bên phải, chúng ta thường sử dụng cả hai để hít vào và thở ra. Thực ra, hai bên rất khác nhau. Bên phải tượng trưng cho mặt trời, bên trái cho mặt trăng. Nếu đau đầu, bịt mũi bên phải thở bên trái, 5 phút sau thì sẽ bớt. Nếu cảm thấy mệt mỏi, chỉ cần làm ngược lại, đóng mũi trái và thở bằng mũi phải. Ít phút sau, sẽ thấy khỏe khoắn. Bên phải thuộc về nóng. Bên trái thuộc về lạnh . Phần đông phụ nữ thở bên trái nên họ trở nên dịu dàng nhanh hơn. Ngược lại phái nam thở bên phải nhiều hơn, nên họ mau nóng nảy. Buổi sáng khi thức dậy, chúng ta hãy chú ý lỗ mũi nào thở nhanh hơn. Nếu bên trái thở nhanh hơn, chúng ta sẽ thấy mệt mỏi. Hãy bịt bên trái, thở bên phải , tức khắc sẽ cảm thấy khỏe khoắn. Liệu pháp thở nầy có thể chữa bệnh mà không cần thuốc và không hại gì cả. Vậy, tại sao chúng ta không thử xem ?

                                                               (SƯU TẦM)

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Thả lòng theo "CHIẾC LÁ THU PHAI"


Ôm những thong dong chạy dài những bước mệt nhoài, ôm những bề bộn rong ruổi những tháng năm xanh, ôm nỗi cuồng si bất tận ngủ dưới vòm cây ngậm ngùi để rồi một hôm nào đó mây bay lên, đất trời như đổi khác sau khi "tắm gội" , ta mới "chợt giật mình ôi chiếc lá thu phai".


Không biết tự bao giờ tôi có thói quen ngồi một mình, lặng đi trước những ca khúc của Trịnh. Không biết từ bao giờ lòng tôi bị ám ảnh sâu sắc bởi tình yêu và thân phận ông gửi lại trên trang giấy. Với những nét nhạc đượm buồn như lời kinh thảm sầu, người đã cất lên tiếng ca phức hợp dành cho cõi đời vô thường này.
Để hôm nay, nghe Chiếc lá thu phai, chợt tự hỏi tóc mình đã phai đi mấy mùa?

Về đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại
Để lòng theo chút nắng bên ngoài

Khi đi qua bao tan tác của ngày để nhìn về phía trước mắt con đường xa ngái hun hút sẽ có một lúc nào đó ta chợt muốn có những giây phút ngồi lại, nghỉ ngơi sau những mệt mỏi, lo toan.
Về đây đứng ngồi bình yên bên những điều bình dị mà cuộc sống mang lại. Về đây đi để lòng theo chút nắng bên ngoài hắt nơi song cửa. Về đây, bước chân thôi rong ruổi để nhận về mình yên khúc của thênh thang.

Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai

Mùa xuân của tạo hoá cũng giống như mùa xuân của đời người trôi nhanh quá. Vội vàng đến rồi vội vàng đi để lại phía bên trời tiếng du ca tiếc thương những ngày vui ngắn ngủi. Thời gian đi qua rộng dài của đời sống mang dòng buồn tênh phủ lên lớp sương mờ lãng đãng. Trong dòng chảy vô thường ấy có điều gì gần với tiếng reo vui hay không?

Mười năm, hai mươi năm, rồi bao nhiêu năm nữa qua rồi mà vẫn cứ u u, mê mê giữa một cõi đi về bơ vơ, lạc lõng. Bao thiết tha cùng cánh vạc gầy guộc bay về vòm trời quên lãng thành im lìm bên những tháng năm qua. Ám ảnh thời gian và thân phận mong manh của con người dâng lên khắp lối. Những lối mòn, cũ kĩ phủ đầy bụi trần trong câu hát.

Ôm những thong dong chạy dài những bước mệt nhoài, ôm những bề bộn rong ruổi những tháng năm xanh, ôm nỗi cuồng si bất tận ngủ dưới vòm cây ngậm ngùi để rồi một hôm nào đó mây bay lên, đất trời như đổi khác sau khi "tắm gội", ta mới "chợt giật mình ôi chiếc lá thu phai".

Chiếc lá thu phai, chiếc lá cuộc đời đã phai đi những sắc màu tươi đẹp nhất. Xương lá run run trong cơn giông trút nước. Gân lá sắp gãy mục bởi gió thu xào xạc. Lá tàn, lá rụng như một đời sống sắp đi xa.
Xung quanh ta loài người đang mộng mị giấc thiên thu. Không thấy ai về đây để ta đầy cuộc vui. Chỉ có cô đơn lủi thủi trở về trên miền vắng xênh xang với những vạt chiều cũ nát liêu xiêu. "Không còn thấy loài người vây phủ quanh đời nói tiếng yêu thương". Đời tôi ngốc dại ngồi "thong dong trao đến mọi loài chút tình tôi".

Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây

Tất cả bỏ mặc tôi đứng hát giữa chiêm bao chưa vẹn đầy. Tôi khờ khạo tự làm mình khô héo như vạt cỏ úa màu hai bên đường lãng du.

Trịnh Công Sơn từng viết: "Tôi không bao giờ nhầm lẫn về khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Và tôi đau đớn nhận ra rằng có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh. Mỗi ngày sống tới, tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm".

Và mỗi ngày đi qua, tuổi ta cũng đi theo. Thức dậy sau cơn mộng mị của năm tháng, ngồi ôm tóc dài trắng xoá mới hay "chập chờn lau trắng trong tay"

Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay

Ngọn cỏ lau chập chờn, mong manh, dễ tàn lụi trong gió như đời sống kia tạm bợ, vô thường. Trịnh đố diện với mất mát, lìa xa một cách rất bình thản như biết trước điều đó đã là một định mệnh không thể nào khác đi từ khi"mẹ cho ta mang nặng kiếp người"

Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi

Nằm nghe xôn xao chạy lang thang giữa trời, ta góp nhặt cho riêng mình một chút an nhiên để khi loài người không cất nổi tiếng yêu thương thì đời sống kia vẫn gọi ta về nhận mặt những ca vang. Nhưng đời sống cũng thật tạm bợ và buồn tênh. Cuộc đời hữu hạn trong khi con người có quá nhiều thứ để lo toan, phiền muộn.

Nằm nghe giữa trời có tiếng cười ngật ngưỡng đến tê dại. Nhưng cười có gì là vui đâu khi điệu kèn đưa ai đó về bên kia núi buốt nhói trong ta. Một người, rồi một người nữa đã xa lìa cõi tạm này để về với âm thầm đồng vọng của trăm năm.
Và người nữa, người cũng bỏ ta đi mất rồi. Chỉ còn:

Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui

Người chỉ còn là sương khói mong manh, ảo ảnh xa mờ của năm tháng nào đó đã xa. Bây giờ, chỉ có tôi ngồi nhớ lại và thầm thì "hẹn ngày sau sẽ mua vui". Nhưng ngày sau là bao giờ? Chẳng ai biết trước được mai này mình sẽ như thế nào cả nên ngày sau cũng thật mong manh, mờ mịt.
Ừ thôi, ta về với ảo ảnh vỡ tan, với cuộc đời tạm bợ những yêu thương và hạnh phúc thoáng qua, về trong vô thường, về trong ngậm ngùi của thiên thu.
Về thu xếp lại

Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người

Thời gian cho ta không còn nhiều nữa. Dự cảm chia lìa ngỡ ngay trước mắt. Những ngày sống qua là một bức vẽ có đủ mọi gam màu với những khuôn mặt người khác nhau. Hạnh phúc đan xen với khổ đau, giọt nước mắt ẩn sau những tiếng cười ngạo nghễ. Yêu thương và phụ rẫy tồn tại như một cặp song hành.

Ta về, thu xếp lại dàn hợp xướng đa âm, đa thanh, đặt hạnh phúc vào ngăn của hạnh phúc, khổ đau vào ngăn của khổ đau, để cuộc đời không lẫn lộn, mịt mù giữa buồn - vui, thật - giả.... Để một ngày ta phải cảm ơn những hạnh phúc đã qua dù hạnh phúc ấy chỉ tồn tại trong thoáng chốc, để "vội vàng thêm những lúc yêu người", yêu đời ở hiện tại.

Còn tồn tại trên cõi đời này bao lâu thì xin tình yêu đời, yêu sống bền lâu mãi. Còn hát được bao nhiêu thì ta vẫn sống hết mình cho người, cho đời.

Vì "hạnh phúc hay khổ đau thì cuộc tình ấy cũng đã là một phần máu thịt của bạn rồi". Có mấy ai lại không yêu máu thịt, một phần cuộc sống của mình đâu. Và như thế, khi chuyến xe cuối cùng dần dần tiến về đích phía bên kia của cuộc đời, khi ta không đủ sức để yêu hay để ghét thì ta cũng không bùi ngùi tiếc nuối những
ngày tháng đã qua.

Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay

Con chim bay mãi trên nền trời cao rộng cũng có lúc mỏi mệt và muốn đậu lại. Con người đi hết những thăng trầm của đời sống cũng muốn nghỉ chân và ngủ một giấc ngoan hiền vì "đến một lúc nào đó, chia vui và chia buồn đều để lại nỗi mệt nhọc như nhau mà thôi"

Trịnh viết "về bên núi đợi" nghĩa là Người đã chuẩn bị cho một cuộc ra đi. Từ giã anh em, bạn bè, từ giã cõi đời bụi bặm, ta từ giã ta đi về phía bên kia của cuộc đời. Đá núi ngậm ngùi thương xót kiếp người nhỏ bé, đa đoan.

Trịnh từng nói rằng: "Sống giữa cuộc đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời". Và "cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không".

Như thế, Trịnh đã đi hết tận cùng hai cõi sống chết để gửi tới chúng ta những ca khúc ngập tràn tình yêu thương dành cho cuộc đời này...

Vô Danh ( Suu tam)

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

THIỀN CHỮA BỆNH



   Đức Phật được tôn xưng là một vị Đại Y Vương vì Ngài đã vạch ra được những con đường giúp con người thoát ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử. Tuy nhiên, không phải đến khi “liễu thoát sinh tử” mới khỏi được bệnh khổ. Ngay phần đầu của bộ Tâm kinh, giáo lý nhà Phật đã minh thị “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách “. Không nhất thiết là ở đâu hoặc lúc nào, một khi đã thể nhập vào vị trí tuệ Bát nhã, quán thấy ngũ uẩn đều là không thì bệnh khổ ắt sẽ không còn.
   Kinh Tạp A Hàm, đoạn ghi lại của phần trả lời của Ma na Đề Na cho tôn giả A Na Luật đã cho thấy một cách trị bệnh cụ thể và dễ thực hành hơn. Đó là “Nhờ buộc tâm vào Bốn niệm xứ nên mọi thứ bệnh tật, khổ đau nơi thân đều được đình chỉ”. Phần bàn về phép trị bệnh trong Tu tập tọa thiền chỉ quán, Trí Khải đại sư cũng viết, “phép tọa thiền nếu khéo dùng tâm thì 404 bệnh tật tự nhiên lành” hoặc “Trị bệnh tuy có nhiều cách, tóm lược đều không ngoài hai phương tiện Chỉ và Quán”.
   Tại sao Chỉ hoặc Quán trong tọa thiền lại có thể chỉ được bệnh? Liệu những điều này có mâu thuẫn gì với lý luận của nhiều nền y học chính thống chăng? Có thể trả lời được câu hỏi này nếu chúng ta hiểu được tác động của tâm lý, cảm xúc và vai trò của hệ thần kinh đối với sức khỏe con người.

Stress là một yếu tố gây bệnh
   Đối với y học phương Tây, tác nhân tâm lý được xem là một yếu tố gây bệnh, được Cullen nói đến vào khoảng năm 1776 với tên gọi là rối loạn thần kinh chức năng. Sau đó, năm 1936, giáo sư Hens Selye, người sáng lập viện chống stress ở Montreal, Canada đã chính thức dùng thuật ngữ stress để chỉ những phản ứng của cơ thể đối với những yếu tố gây khó chịu trong môi trường sống. Sớm hơn nhiều so với phương Tây, trên cơ sở những lý luận về khí và khí hóa, các nhà y gia của phương Đông đã sớm nhận ra những ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực lên sức khỏe của con người.
   Hàng ngàn năm trước, sách Nội kinh, một quyển sách kinh điển của y học cổ truyền Trung Hoa đã ghi nhận “bách bệnh giai sinh vu khí”. Người xưa cho ràng những cảm xúc thái quá của bảy loại tình chí (hỉ, nộ, ái, ố…) sẽ làm rối loạn khí hóa của những tạng phủ tương ứng. Chẳng hạn “Ưu thương Tỳ”, “Khủng thương Thận”, “Nộ thương Can”…
Do đó, những rối loạn này chính là nguyên nhân của những bệnh về nội thương. Đôi khi những rối loạn khí hóa do cảm xúc có thể gây ra những triệu chứng bệnh ký có thể thấy được ngay. Thử quan sát một người đang bộc phát cơn tức giận: toàn thân nóng lên, mồ hôi vã ra, nhịp tim tăng, hơi thở gấp, các cơ bắp như tăng lên. Ở một số người khác, cơn nóng giận sẽ làm cho toàn thân ngứa ngáy, áp huyết tăng, đau thoát ở ngực hoặc như bị bóp chặt ở bao tử.

Thiền là biện pháp đối trị của những chứng bệnh tâm thể
   Trong thời đại ngày nay, để tồn tại và phát triển trước một cuộc sống nhiều thách thức và một môi trường luôn thay đổi, con người phải đối mặt với nhiều áp lực tâm lý. Chính những yếu tố gây stress là nguyên nhân của nhiều bệnh tật. Stress có thể làm rối loạn tiêu hóa, tim mạch, rối loạn nội tiết, làm suy giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể dễ bị bệnh tật tấn công hoặc làm trầm trọng thêm những chứng bệnh đang tiềm tàng.
Trong những trường hợp này, việc giải tỏa stress, điều hòa được cảm xúc phải là ưu tiên hàng đầu. Nói chung, thư giãn hay căng thẳng, tập trung tư tưởng vào một sự kiện này hay chuyển sang một sự kiện khác là khả năng tự nhiên ở mỗi con người.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh lý, khi hệ thần kinh đã quá tải, đã vượt quá giới hạn để tự hồi phục, tự điều chỉnh thì người bệnh cần một quá trình tập luyện hoặc điều trị. Trong những trườp hợp này, Thiền là một liệu pháp đối trị trực tiếp và hữu hiệu. Ông Herbert Benson, giáo sư Đại học Harvard, người sáng lập Viện Y học Tâm thể ở Boston (Mind – Body Medical Institute) cho biết: “Từ 60% đến 80% số lượng bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến stress. Các ca bệnh này đáp ứng rất kém đối với thuốc và phẫu thuật nhưng lại rất tốt đối với các liệu pháp tiếp cận tâm thể”. Ông cho rằng các liệu pháp thư giãn và Thiền làm giảm sự căng cơ, giúp giải tỏa những tình trạng lo âu, sợ hãi, bất an, dễ bị kích thích và đặc biệt là làm giảm hoạt hóa các nội tiết tố stress.
   Thiền là những phương pháp tập trung tư tưởng, buộc tâm vào một đối tượng nhất định nhằm tạo ra hiệu ứng ức chế, nghỉ ngơi trên toàn bộ vỏ não. Stephanie Clement và Cary Barbor, những chuyên gia trong lĩnh vực điều trị tâm lý đã cho biết: “Những nghiên cứu trên những đối tượng chỉ cần thực hành thiền ngắn hạn (khoảng 10 phút mỗi lần) nhưng đều đặn hàng ngày đều cho thấy có sự gia tăng sóng Alpha và sự giảm bớt tình trạng lo âu, trầm uất”. Sóng Alpha là sóng não ứng với tình trạng thư giãn cơ bắp và tinh thần không căng thẳng.
Do cơ chế tương tác thần kinh, thể dịch và nội tạng, sự nghỉ ngơi của vỏ não sẽ phục hồi tính tự điều chỉnh của hệ thần kinh nên có tác dụng cải thiện đến toàn bộ các cơ quan. Chẳng hạn ở hệ tim mạch, Cary Barbor cho biết: “Trong khi ở những người bình thường, đáp ứng chống trả hoặc bỏ chạy kéo dài sẽ kích hoạt sự tăng tiết Adrenaline, gia tăng nhịp tim và những nguy cơ máu đông thì ngược lại, những đáp ứng thư giãn sẽ làm giảm chuyển hóa, giảm nhịp tim, hạ thấp sóng não và cải thiện những triệu chứng của bệnh tim mạch”.
Hiện nay có một phương pháp Thiền đã được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại nhiều trường đại học y ở phương Tây, kể cả một số trường đại học lớn ở Mỹ như Umass, Stanford, Duke, Virginia, San Francisco,… Và MBSR “MindfuIness Based Stress Reduction” (Giảm stress dựa trên sự tỉnh giác) được xem là một liệu pháp bổ sung giúp điều chỉnh tinh thần, cảm xúc và cải thiện sức khỏe
Đây là một kỹ thuật Thiền định nhằm phát triển chánh niệm, tức khả năng nhận biết điều đang xảy ra nơi thân hoặc tâm, qua đó có thể làm chủ được bản thân và điều hóa cảm xúc. MBSR đã được giáo sư Jon Kabat – Zinn khởi xướng đưa vào thực hành lâm sàng từ đầu những năm 1970. Hiện nay. Trung tâm Y học và Giáo dục Tỉnh giác CFM (the Center For Mindfulness in Medicine, Healh Care and Society) thuộc trường Đại học Y Massachusetts (UMASS), được xem là cơ sở y tế lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ trong lĩnh vực quảng bá, giáo dục và điều trị bằng MBSR.
Cho đến nay, hàng chục ngàn người đã được hưởng lợi từ chương trình huấn luyện và điều trị này. Kết quả cho thấy, MBSR giúp điều trị những bệnh về tim mạch, các chứng đau nhức mãn tính, rối loạn chức năng, dạ dày ruột, chứng đau nửa đầu, cao huyết áp, mất ngủ, lo âu, hoảng loạn… Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 200 bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thực hành điều trị bằng MBSR.

Thiền là một liệu pháp chỉnh thể
   Mỗi triệu chứng, mỗi bộ phận cơ thể đều phải được xem xét và điều chỉnh trong mối tương quan chung nhằm mang lại sự cân bằng và hài hòa cho cả tổng thể. Về mặt này, với ý nghĩa hòa hợp hay hợp nhất giữa các mặt tổ chức trong cơ thể, hợp nhất giữa thân và tâm và cuối cùng là giữa con người và vũ trụ. Thiền là là đỉnh cao của liều pháp chỉnh thể và cũng là chỗ gặp nhau giữa y học và các nền học khác của phương Đông.
Các phương pháp ngồi thiền, luyện khí công, tập yoga đều có tác dụng thanh lọc, điều chỉnh để chữa bệnh hoặc cải thiện sức khỏe. Về mặt thần kinh, thông qua quá trình thư giãn và nội quán, Thiền duy trì trạng thái yên tĩnh của đại não, có thể điều hòa thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh và tự hoàn thiện vốn có của hệ thần kinh trung ương. Đây cũng là một cơ chế mang tính chỉnh thế vì sự hài hòa và hoàn thiện của hệ thần kinh sẽ tác động trở lại để điều hoà nội tiết, nội tạng, tái lập tình trạng khí hòa bình thường để phục hồi sức khỏe.
Cũng vì lý do này, những liệu pháp thư giãn và Thiền không những có hiệu quả trên những tâm thể mà còn có thể nâng cao sức miễn dịch và tăng cường lưu thông khí huyết để giúp cải thiện cả những cơ quan đã bị tổn thương. Ngoài ra, người hành thiền có thể vận dụng hoặc Chỉ, hoặc Quán để tạo ra những hiệu quả cụ thể tùy theo chứng trạng. Với phép Chỉ, căn cứ vào quy luật “thần đâu khí đó”, người tập có thể an tâm vào một vị trí nhất định trong cơ thể để tăng cường khí huyết đến nơi cần thiết. Ví dụ: An tâm vào một chỗ đau để giải tỏa đau nhức, an tâm vào huyệt tố liêu ở chớp mũi để trị áp huyết thấp hoắc an tâm tại huyệt đan điền ở bụng dưới để chữa những chứng căng thẳng tâm lý hoặc âm hư gây ra nhức đầu, khó ngủ, hồi hộp, áp huyết cao.
Có rất nhiều nghiên cứu về hiệu ứng vật lý của những suy nghĩ tích cực. Đáng kể nhất là công trình nghiên cứu của bác sĩ Carl Simonton về điều trị ung thư. Ông hướng dẫn cho bệnh nhân thư giãn và hình dung những bạch cầu của họ là những chiến sĩ “tìm và diệt”. Đội quân dũng mãnh chiến đấu, chiến thắng và mang đi các ung thư đã chết. Công trình nghiên cứu trên 110 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã cho kết quả 25% hoàn toàn khỏi bệnh, 30% ung thư ngừng phát triển và ở 10% khác khối ung thư bắt đầu nhỏ dần.
   Tóm lại, Thiền có thể chữa bệnh, khổ là một hiện thực. Vấn đề còn lại là ý chí và khả năng tập trung tư tưởng của người bệnh. Điều này còn tùy thuộc vào căn cơ và các điều kiện trợ duyên khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp…
Lương y Võ Hà

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

NGÀY 8/3



:
    GC xin được đăng bài thơ "Tiếng Lòng" của t/g MINH TÂM và bài bình của t/g TRẦN THỊ LƯƠNG  (sưu tầm )
Xin mọi người hãy đọc và trải lòng mình nhé ! ,không biết nói gì hơn là sư ngưỡng mộ và cảm ơn các chị thật xứng với câu : CÔNG DUNG NGÔN HẠNH các cụ đã giành cho ! 


             TIẾNG LÒNG
Em cứ ngỡ tiếng lòng không gọi nữa
Nẻo trăm năm lụi tắt lửa duyên tình
Bóng cô liêu theo mỗi bước chân mình
Em khắc khoải với nỗi lòng lạnh giá
Mấy nghìn ngày trái tim buồn hoá đá
Khát khao thầm ai thắp lửa tình chung,
Giữa cuộc đời này còn có nữa hay không
Một bờ vai ghé nâng niềm khát vọng
Lời em hỏi cứ rơi vào im lặng
Để em buồn mưa đẫm ướt làn mi
Mấy nghìn ngày đơn lẻ lối em đi
Mặc gió hát bao lần không xao động
Bỗng ngọn bút xô lòng em dậy sóng
Người thổi bùng ngọn lửa trái tim yêu
Em bâng khuâng trong tím biếc mỗi chiều
Thao thiết khát một làn môi cháy bỏng
Em vẫn biết cánh buồm vui biển rộng
Chẳng vẹn bến bờ- xin vẹn một vầng trăng


Minh Tâm

----------------------

Bài TIẾNG LÒNG, MT viết đã lâu. Một bạn thơ đã viết bài bình cho TIẾNG LÒNG tặng MT.
MT đăng lên đây bởi sự trân trọng tình cảm mà bạn dành cho mình. Minh Tâm nhận bài bình
là nhân một tác phẩm văn học mà bạn mình trao tặng.

                                                                    -------------****----------


BÀI BÌNH
(Về bài thơ "TIẾNG LÒNG", tác giả Minh Tâm)
-----------------


Mười hai bến nước, bến đục bến trong là điều may rủi cho từng số phận người phụ nữ. 

Dẫu là thiên đường hay địa ngục thì người phụ nữ trong bóng dáng Chim Từ Quy kia vẫn phải gồng mình lên nhẫn nhịn và cam chịu. Gồng gánh trên vai trách nhiệm gia đình, lo toan, bươn chải. Họ nhận thiệt thòi về bản thân rồi tự an ủi: đó là sự hy sinh lớn lao nhất. Người phụ nữ luôn ghi nhận: mùa xuân tình cảm dành cháu- mùa đông cho bà. Biết hy sinh, nhưng trong sâu thắm trái tim tưởng như tắt lửa ấy vẫn lặng thầm khao khát:

"Một bờ vai ghé nâng niềm khát vọng"

Cánh cửa tâm hồn đơn lạnh của chị tưởng như đã khép chặt, Chị cứ một mình một bóng đi trên con đường riêng; Dửng dưng và bình thản trước mọi lời gọi mời của thiên hạ.

"Mặc gió hát bao lần không xao động"

Bất chợt trong một buổi ban mai êm ả, hay trong một chiều giông gió, Trái tim chị bừng thức khi một trong số những tao nhân mặc khách đến gõ cửa với câu thần chú ứng nghiệm linh thiêng: "Vừng ơi mở cửa". Để rồi:
"Bỗng ngọn bút xô lòng em dậy sóng
Người thổi bùng ngọn lửa trái tim yêu" 
Sét đánh quá chăng? Không! đây không phải là thứ tình chớp nhoáng với ngôn từ chót lưỡi - đầu môi: Yêu từ cái nhìn đầu tiên, sáo rỗng và cũ mèm. Mà Đây là thứ tình văn chương thanh cao, trong sáng nhưng không kém phần nồng nàn và bạo liệt.
Tôi nghiệm câu châm ngôn cuả M.gandhi:"Kẻ hèn nhát không có khả năng bộc lộ tình yêu, tình yêu là đặc quyền của người dũng cảm". Và chị là một người phụ nữ dũng cảm:
"Thao thiết khát một làn môi cháy bỏng"
Đây là tình cảm mà bắt đầu là sự phải lòng về văn chương. Chất kết dính này có sức hút kỳ lạ như nam châm, nó ghép hai mảnh cong một nửa thành một đường tròn khép kín, hoà hợp và tròn trặn. 
"Không có phụ nữ già. Ở mọi lứa tuổi nếu họ yêu thì họ đều cho người đàn ông những cơ hội bất tận". Câu châm ngôn của J.Michhelet đúng trong mọi mốc thời gian.
Trái tim chị mỏng manh như sợi dây đàn treo trên vách đã lâu ngày bị lãng quên, gặp gió nó lại rung lên tiếng tơ lòng kỳ diệu.
Sự kết dính trong sáng không điều kiện này, sức mạnh nào có thể chia cắt?
Nhưng chị như chú mèo có đôi hia đi được ngàn dặm nhưng không vượt qua được hàng rào cấm địa trước mặt. Say đắm vậy, tha thiết vậy nhưng chị không sống bằng bản năng - xô bồ - buông thả. Trái tim bừng thức, tiếng lòng nổi loạn sau cơn ngủ dài. Chị nồng nàn mê mải đón nhận cái đẹp (vô thức) Nhưng lại có bộ óc tỉnh táo (ý thức) để nhận đúng hoàn cảnh nghiệt ngã:
"Em vẫn biết cánh buồm vui biển rộng
Chẳng vẹn bến bờ..."
Chị biết dừng lại ở điểm phải dừng, mặc dù trái tim thì thầm dâng hiến:
"...Xin vẹn một vầng trăng"
Tình chị đẹp, tinh khiết và sang trọng, tròn đầy như vầng trăng gửi trao cho "nửa kia" của mình.
Đã qua rồi cái ngày:
" Bóng cô liêu theo mỗi bước chân mình".
Trước đây chị vịn vào thơ, bây giờ lại có trăng, đôi cánh tình yêu nâng đỡ chị để chị sáng tạo cái đẹp cho chị trong buổi hoàng hôn..
Tôi chợt nhớ câu nói của A.V.ArmauIt: "Hoa không hương chẳng được coi trọng, Phụ nữ không có tri thức chẳng được tôn vinh".
Chị vừa có sắc, có hương, có tâm vừa có tri thức.
Tôi chia sẻ cùng "Tiếng lòng" của nữ sỹ Minh Tâm với tấm lòng trân trọng.
                  HP ngày 28/9/2012
                  Trần Thị Lương

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và 12 câu dạy thở kỳ diệu




                                        



    Bị lao phổi, sau 7 lần mổ, BS.Nguyễn Khắc Viện chỉ còn một góc phổi,
   mất 8 xương sườn. Thế nhưng ông đã sống đến tuổi 85 chỉ nhờ một bài thở.
   Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và 12 câu dạy thở kỳ diệu
Chân tay thả lỏng


Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Êm, chậm, sâu, đều

Tập trung theo dõi

Luồng ra luồng vào

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được




Sống thêm 50 năm chỉ nhờ… bài thở

  Ông sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở Bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble.

Thời đó, bệnh lao chưa có thuốc chữa. Từ năm 1943 đến 1948, ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống được hai năm nữa.

Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa.

  Ông là bác sĩ, đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Ông là cố vấn của bộ môn tâm lý - xã hội học, tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).
Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái.
  Những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông bảo sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bạn đồng nghiệp với bác sĩ Viện, kể lại: “Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Rồi một lần tôi bị tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu!
  Phương pháp này giúp ông thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp cho rất nhiều thuốc, nhưng ông chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình.
  Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là điều hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

  Phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện”

  Bài tập thở của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bắt nguồn từ yoga, khí công. Tuy nhiên, quan niệm của ông là chỉ nắm chắc những nguyên tắc cơ bản và dựa trên sinh lý học hiện đại để xây dựng phương pháp tập luyện mà mọi người đều có thể áp dụng nhằm nâng cao sức khỏe, chứ không nhằm đạt những kỷ lục và “phép lạ” (như cho ôtô đè lên, hoặc chịu chôn sống nhiều giờ vẫn không chết…).
  Phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” là cách luyện tập toàn diện: động và tĩnh, nội và ngoại, giúp con người làm chủ được cơ thể, nâng cao sức khỏe, giữ được bình tĩnh, đỡ mệt mỏi, nhất là trong những lúc làm việc căng thẳng. Có ba khâu tập là thở, vận động và thư giãn (luyện ý), liên quan đến hoạt động của ba bộ phận chủ yếu của cơ thể là nội tạng, cơ bắp, thần kinh.

  Trong đó tập thở bụng cho đúng cách là quan trọng nhất, vì cách thở bụng tác động trực tiếp đến những bộ phận nội tạng rất quan trọng là tim, phổi, dạ dày, ruột, dạ con (có thể hình dung các bộ phận này luôn được “thể dục”, được “xoa bóp” lúc thở); thở tốt giúp lưu thông khí huyết, tác động tích cực đến hoạt động cơ bắp và thần kinh.
  Bài tập thở đã được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đúc kết thành một bài vè cho dễ nhớ: “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai vai bất động/ Chân tay thả lỏng/ Êm, chậm, sâu, đều/ Tập trung theo dõi/ Luồng ra luồng vào/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Đứng, ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”.
  Với phần tập vận động, thư giãn (luyện ý), từ lý thuyết đến các động tác cụ thể, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã giới thiệu trong cuốn Từ sinh lý đến dưỡng sinh (NXB Y Học - 1979; NXB Đồng Nai - 1988) và cuốn Dưỡng sinh dành cho mọi lứa tuổi (NXB Trẻ - 1993) với hình thức hỏi - đáp đơn giản, dễ hiểu.
  Nếu thiếu thời gian để tập đủ các động tác, bạn có thể tự chọn cách tập thích hợp, trên cơ sở nắm vững những nguyên lý, quan niệm của phương pháp dưỡng sinh.

  Nên tập từ lúc còn trẻ
  Cái khó nhất của phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” là sự kiên trì, ngày nào cũng phải tập, riêng thở bụng thì giờ nào cũng tập để trở thành thói quen. Điều quan trọng là đừng đợi đến lúc già yếu, hãy tập từ lúc còn trẻ trung, khỏe mạnh. Đừng để tình trạng nhiều nơi chỉ thấy các ông bà già tập luyện từ lúc còn mờ đất, còn tuổi trẻ thì dậy trưa.
Sẽ có bạn bảo rằng tuổi trẻ quá nhiều mục tiêu phấn đấu, không còn thời gian để tập luyện. Nếu quả vậy, chỉ cần tập thở đúng cách - thở ngay trong lúc học, làm việc, không mất chút thời gian nào mà có thể đã đạt được quá 50% hiệu quả của phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện”.
Nguồn tin: Phụ nữ TPHCM, Tuổi Trẻ ( sưu tầm)