VU LAN NHỚ MẸ, THƯƠNG CHA…
Tôi luôn nghĩ phải là rất chín chắn, rất quý trọng tình cảm gia đình thì người đàn ông khi chọn vợ mới coi nề nếp gia đình bên vợ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của mình. Phải là người thấu hiểu sự ảnh hưởng của nếp nhà, đặc biệt là từ người mẹ lên con gái, thì mới thấy trân trọng cái gọi là gia phong lề thói, khuôn phép.
Cha chúng tôi vẫn nói là khi chưa lấy Mẹ của chúng tôi thì Cha đã rất mê gia đình của Mẹ rồi. Đó là một gia đình đông con nhưng hòa thuận, gia giáo. Đó là một gia đình có người cha là công chức, người mẹ tần tảo bán buôn vải vóc, tơ lụa ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Đó là gia đình rất Á Đông trong đối nhân xử thế, nhưng lại rất “Tây học” trong nếp sống cũng như trong việc lĩnh hội văn minh-tức là trong việc mở cửa sổ của ngôi nhà để nhìn ra thế giới xung quanh qua việc hướng và khuyến khích con cái ngoài việc giỏi tiếng Việt nhưng nhất thiết phải trang bị thêm cả tiếng Ăng-lê, tiếng Pháp.
Trong những năm đầu của cuộc hôn nhân với Mẹ chúng tôi, Cha chúng tôi ở rể. Chưa bao giờ Cha chúng tôi coi đấy là những năm tháng “chui gầm chạn” của mình. Trái lại Cha chúng tôi biết ơn Cha Mẹ vợ đã cho Cha chúng tôi một gia đình thứ hai-một gia đình mà mọi thành viên đều tôn trọng và yêu quý Cha chúng tôi theo cung cách của người Hà Nội-nghĩa là thân thiết mà không suồng sã xâm phạm vào cuộc sống riêng; nghĩa là luôn đặt sự thuận hoà anh chị em lên hàng đầu; nghĩa là khi cần thì giúp đỡ nhau hết lòng, kể cả việc “nhường cơm sẻ áo”…
Sau này, khi đã trưởng thành, tôi hiểu là không phải gia đình nào cũng đạt được đến điều này. Vẫn có những gia đình trên không thuận, dưới không hoà. Vẫn có những gia đình anh em bỏ bê cha mẹ, tranh cãi, giành giật của nhau đến từng gang tay đất.
Càng trưởng thành thì lại càng thấy Cha chúng tôi đã rất đúng trong việc chọn một người con gái Hà Nội có học thức, được nuôi dưỡng bởi dòng sữa người Mẹ thuần Việt và một người Cha hiểu biết, nho nhã, lịch lãm.
Mẹ của chúng tôi là con gái của một người cha, người mẹ như thế. Từ cái nôi gia đình như thế, dù là trong hoàn cảnh nào Mẹ chúng tôi vẫn giữ được vẻ khoan thai, khiêm nhường nhưng cũng vô cùng kiêu hãnh và tự trọng. Lối sống của một gia đình phố thị, lại được ăn học đến nơi đến chốn vì Mẹ chúng tôi luôn được nhận xét là “sáng dạ” đã tạo nên căn cốt rất Hà Nội của Mẹ.
Chúng tôi được dạy rằng đẳng cấp là khi người phụ nữ có mọi thứ để phô trương nhưng lại chọn cách không thể hiện ra ngoài. Không ai dán cái mác “Con nhà gia giáo” lên trán cả, nhưng nhìn vào từng cử chỉ, nhìn vào cách ăn mặc, người từng trải, người tinh ý có thể nhận ngay ra được.
Do ảnh hưởng trực tiếp từ Mẹ, giờ con gái Mẹ mang phong thái của Mẹ, suy nghĩ như Mẹ, yêu gì, ghét gì cũng là từ Mẹ…
Chúng tôi luôn tự hào về gốc gác Hà Nội của mình. Những gì là máu thịt, là nguồn cội thì không một người tử tế nào có thể lẩn tránh không nói đến hay là chối bỏ. Càng tự hào hơn khi ở đâu chúng tôi cũng được nhận ra cái chất Hà Nội của mình trong giọng nói, trong cung cách, trong ứng xử-Bằng những gì mình có và bằng cả những sinh hoạt thường nhật, hai tiếng Hà Nội được chúng tôi trân trọng viết hoa bởi chưa một phút giây nào chúng tôi làm vấy bẩn lên hai từ rất đỗi thiêng liêng ấy.
Là con gái của một người mẹ Hà Nội, chúng tôi được dạy rằng: “Việt Nam nhất không chỉ thể hiện ở chỗ đi thưa, về chào; ở chỗ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hay ở chỗ phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”…mà còn là ở sự thấu hiểu về đất đai bờ cõi, về từng trang sử của dân tộc Việt-dẫu là những trang hào hùng hay những trang thấm đẫm những bi thương. Phải hiểu thì mới có thể thương, rồi từ thương mới lý giải được những thăng trầm cũng như những khác biệt. Tránh đi được những cái nhìn thiếu công tâm, tất sẽ dẫn đến những nhận định ác ý.”
Sinh thời, mẹ chúng tôi đã có một thời gian dài là giảng viên đại học về địa lý kinh tế thế giới, trong đó tất nhiên có cả địa lý kinh tế Việt Nam. Qua Mẹ, chúng tôi thích tìm hiểu về từng vùng đất của đất mẹ Việt Nam, qua đó tìm hiểu về ngôn ngữ, về tập quán cũng như về văn hoá ẩm thực. Nghĩa là chúng tôi không biết lớt phớt về Việt Nam như một du khách, chúng tôi vì yêu thương nên luôn muốn hiểu sâu, hiểu thấu đáo về đất nước quê hương mình.
Mẹ truyền cho chúng tôi cái máu dịch chuyển, thích vi vu du lịch để tìm hiểu về những vùng đất khác. Thậm chí cả việc du lịch qua những trang sách, qua những thước phim, qua việc tiếp xúc với con người bốn phương cũng được Mẹ chúng tôi khuyến khích. Chúng tôi được Mẹ-một phụ nữ trí thức trao cho chiếc chìa khoá để mở thêm nhiều cánh cửa tri thức, đó chính là tiếng Việt. Mẹ chúng tôi là một giáo viên nghiêm khắc và đòi hỏi cao, đặc biệt khi những học trò là các con của Mẹ. Khi còn bé, vì mải chơi nên anh em chúng tôi không tránh được những lúc hậm hực, khó chịu. Nhưng nay, khi cả Cha và Mẹ đều đã đi xa, chúng tôi vô cùng biết ơn những báu vật mà Cha, Mẹ đã để lại cho mình. “Báu vật” của Cha, Mẹ không chỉ là của cải vật chất mà còn là sự ham học hỏi, ham hiểu biết không ngừng.
Vu lan 2024, thêm một Vu lan vắng cả Cha lẫn Mẹ, nghĩa thêm thương thêm nhớ, thêm cả những xót xa, những bơ vơ trơ trọi dù vẫn đang sống giữa muôn người. Mất Cha, không còn cả Mẹ-đó là nỗi buồn lớn nhất của một kiếp người. Biết là mất mát này bất cứ ai cũng phải lần lượt nếm trải mà vẫn buồn, vẫn tủi…
Saomai Pham
ST.