Con Người không có Nước-Như không thấy Mặt Trời


Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

THIỀN




 Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh
Khi tâm mình lo lằng hoặc phiền giận, tư duy của mình thường không được chính xác thì mình có thể đi đến những quyết định mà sau này mình hối tiếc. Thiền tập giúp cho mình lắng xuống, để mình có đủ thảnh thơi và sáng suốt. Phần trích sau đây, về những ích lợi của việc tập thiền, được rút ra từ Thiền tập chỉ nam, một cuốn sách của Thiền sư Nhất Hạnh chưa xuất bản.
  1. Thiền tập có công năng nuôi dưỡng, trị liệu, chuyển hóa, đối trị với sự căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, đem lại được niềm vui sống và giúp phục hồi được truyền thông giữa ta với những người khác.
  2. Thiền trước hết là sự có mặt đích thực của ta trong giây phút hiện tại, ngay tại nơi ta đang có mặt. Có mặt trong giây phút hiện tại có nghĩa là đang thực sự sống, và đang tiếp xúc với sự sống trong ta và chung quanh ta. Cái khả năng nhận biết cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, gọi là chánh niệm, gọi tắt là niệm.
  3. Có một kinh gọi là kinh Quán niệm hơi thở, dạy về cách chế tác và duy trì chánh niệm bằng hơi thở. Chánh niệm do hơi thở chế tác và duy trì có công năng làm lắng dịu hình hài, cảm giác, cảm xúc, đem lại sự buông thư và thảnh thơi cho thân và cho tâm. Chánh niệm lại có công năng nhận diện các tâm hành, nuôi dưỡng những tâm hành tốt như niềm tin yêu, sự tha thứ, lòng bao dung, và chuyển hóa những tâm hành xấu như sự bực bội, lòng ganh ghét, sự giận hờn, v.v… Chánh niệm còn nuôi lớn được sự chú tâm (định lực) giúp chúng ta nhìn sâu vào thực tại và khám phá ra được tính bất sanh bất diệt, không tới không đi, không có không không, không một không khác. Thấy được bản chất của thực tại rồi thì ta được giải thoát, vượt thoát sợ hãi, nghi ngờ, giận hờn và tuyệt vọng. Kinh Quán niệm hơi thở là một châu báu trong nền văn học Phật giáo.
  4. Hơi thở tuy thuộc về thân nhưng được xem như là những cây cầu nối liền với tâm. Để ý tới hơi thở, ta thiết lập được cây cầu, và chỉ trong một giây đồng hồ hay ít hơn, ta đã có thểlàm cho thân tâm hợp nhất. Thân tâm hợp nhất đó là nền tảng của thiền. Thân tâm hợp nhất là điều kiện căn bản để ta nắm bắt được giây phút hiện tại (nghĩa là nhận diện được những gì xảy ra trong giây phút ấy, hoặc ở thân, hoặc ở tâm, hoặc ở hoàn cảnh). Không phải chỉ trong tư thế ngồi thiền ta mới làm được chuyện này. Khi ta giặt áo, tưới rau, lái xe, rửa bát, đi cầu v.v… ta cũng có thể đặt mình trong trạng thái thân tâm nhất như ấy.
(Trích từ tạp chí Văn Hóa Phật Giáo- Vu Lan Kết Nối Yêu Thưong- Số 19)
 Các lợi ích khác của Thiền
  1. Giải toả căng thẳng và mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ;
  2. Tăng cường sự hoạt bát của cơ thể;
  3. Tăng cường hệ thống miễn dịch, điều trị các bệnh quá nhậy cảm;
  4. Phát triển trí tuệ;
  5. Tăng cường ý chí, sự tự tin;
  6. Đạt được sự tĩnh tâm;
  7. Phát triển một lối sống lạc quan, hài hòa với môi trường xung quanh;
  8. Phát triển trực giác.
Nói tóm lại, lợi ích của thiền rất là nhiều, lớn, cụ thể. Nhưng phải hành thiền thì mới thể nghiệm được, chứ không thể nào thể nghiệm được lợi ích của thiền qua sách vở, dù là sách vở viết rất hay. Vì vậy, các bạn hãy tập thiền hàng ngày, phải thường xuyên ngay trong cuộc sống bình nhật của mình.

Không có nhận xét nào: